Trùng Sơn Cổ Tự là một địa điểm tham quan văn hóa nổi tiếng bậc nhất tại Ninh Thuận. Một công trình Phật giáo với nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo được xây dựng quy mô trên một ngọn núi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Để giúp bạn hiểu hơn, trong bài viết kỳ này, KhámpháNinhThuận.com sẽ cập nhật đầy đủ thông tin cho chuyến đi như mong muốn.
- Xem thêm: Trải nghiệm du lịch Ninh Thuận có gì hấp dẫn?
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần chuẩn bị những gì?
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần bao nhiêu tiền, có nên đi tự túc?
Trùng Sơn Cổ Tự ở đâu trên bản đồ du lịch Ninh Thuận?
Nằm tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp (địa chỉ: ngã ba đường Trường Chinh giao đường Sư Vạn Hạnh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải), Trùng Sơn Cổ Tự là một trong số ít công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo được xây dựng quy mô, vững chãi.
Trên bản đồ du lịch Ninh Thuận, Trùng Sơn Cổ Tự nằm trong cụm tham quan văn hóa – tâm linh nổi tiếng của thắng cảnh núi Đá Chồng, cách trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm chừng hơn 5km về hướng Đông. Gọi là “núi Đá Chồng” vì núi có nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, quan sát tổng thể bốn mặt thì núi có hình đáng khá đặc biệt, tựa như đầu con chim Phụng Hoàng (chim Phượng Hoàng) đang trầm mặc quan sát điều gì đó nên còn có tên khác là “núi Phụng Hoàng”.
Với chiều cao khoảng vài chục mét so với mặt nước biển và vị trí nằm giữa trung tâm huyện Ninh Hải được bao quanh bởi cánh đồng lúa, khu dân cư, sông, đầm biển cả nên khi đứng trên đỉnh có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh đẹp.
Đặc biệt, cùng tọa lạc trên núi Phụng Hoàng còn có những ngôi am, cốc, tịnh xá và chùa khác. Nổi bật hơn cả là ngôi Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ tọa lạc dưới chân núi, Chùa Trùng Quang và Miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử tọa lạc giữa lưng chừng núi nhìn từ hướng công viên biển Ninh Chữ; và tịnh xá Thạch Liên nằm phía sau núi theo hướng di chuyển từ đường Yên Ninh.
Bên cạnh những công trình kể tên, ngay dưới chân núi đi xuôi về hướng Bắc 150m đường Sư Vạn Hạnh là tổ đình Trùng Khánh với hơn 150 tuổi. Đặc biệt, đây là nơi sản sinh ra nhiều bậc chân tu đức độ, nổi tiếng, góp công vào việc chấn hưng và phát triển Phật giáo tại huyện Ninh Hải nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
- Xem thêm: Cẩm nang du lịch Ninh Thuận 4 ngày 3 đêm từ Hà Nội mới nhất
- Xem thêm: Gợi ý lịch trình du lịch Ninh Thuận 3 ngày 2 đêm siêu tiết kiệm
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận 2 ngày 1 đêm trọn gói thú vị nhất
Đường đi Trùng Sơn Cổ Tự Ninh Thuận theo Google Map
Xuất phát từ trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm (cách 7km), công viên biển Bình Sơn (cách 5km) và công viên biển Ninh Chữ (cách 300m) bạn dễ dàng di chuyển đến Trùng Sơn Cổ Tự (núi Đá Chồng) theo bản đồ chỉ dẫn của Google Map.
Tổng thể kiến trúc Trùng Sơn Cổ Tự Ninh Thuận có gì đẹp và khác biệt?
Trùng Sơn Cổ Tự là ngôi chùa có lịch sử gần 50 năm ở Ninh Thuận. Tổng thể ngôi chùa là một sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Đông truyền thống và phương Tây hiện đại nhưng vẫn toát lên một chất riêng khiến ai lần đầu trông thấy cũng đều buông lời khen ngợi.
Điểm nhấn nổi bật trong thiết kế đầu tiên của ngôi chùa phải nói đến là cổng tam quan. Hạng mục này được xây dựng vững chãi theo kết cấu bê tông cốt thép gồm ba lối đi, một lối chính giữa và hai lối đối xứng. Mái cổng thuần theo kiểu dáng chồng mái với bốn đầu là những hoa văn trang trí đuôi rồng và trên đỉnh là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”.
Đối diện cổng tam quan nhìn theo hướng Bắc chính là khoảng không gian khá rộng đặt ba bức tượng “Tam thế Phật”. Đây là nơi đầu tiên mà du khách đặt chân đến đầu tiên để nghỉ mệt, ngắm cảnh và viếng Phật sau khi leo quãng đường dốc với hơn 100 bậc thang cấp.
Qua cổng tam quan tiếp tục di chuyển là sân hiên của ngôi chánh điện. Sân hiên khá rộng, được bố trí nhiều cây xanh để tạo cảnh quang cho tổng thể ngôi chùa. Thông thường vào những ngày trời đẹp, cuối chiều khi mặt trời khuất dần sau chân núi, nhiều bà con phật tử sống trong vùng hay lên đây để thư giãn, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, yên bình.
Để đặt chân lên ngôi chánh điện là cầu thang bộ với điểm nhấn hai bên là cặp rồng dũng mãnh tô son thép vàng được tạo tác theo mô típ thời Lý Trần. Nhìn chung, chánh điện Trùng Sơn cổ tự Ninh Thuận khá độc đáo và đẹp mắt. Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Việt Nam truyền thống và kiến trúc La Mã của Ý mà từ ánh nhìn đầu tiên bạn có thể liên tưởng ngay đến Đấu trường La Mã Colosseum nổi tiếng thế giới.
Tiếp tục di chuyển theo hai lối bậc thang tả hữu (trái, phải), ngôi chính điện uy nghiêm hiện ra với màu nâu đỏ thuần túy của các ngôi tự theo hệ phái Bắc tông. Đi thẳng vào trong là không gian thờ tự trang nghiêm, thanh tịnh gồm nhiều pho tượng Phật, bồ tát tự bị, hiền hòa. Hầu hết, khách du lịch đến chùa đều đến không gian chính điện này để thắp hương cầu nguyện, xin bình an.
Bên cạnh ngôi chánh điện, nhìn theo hướng Nam là khách đường thoáng đãng được các sư thầy dùng làm nơi tiếp khách. Trước sân hiện chánh đường là hai hạng mục nhỏ thờ hai vị bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền tượng trưng cho “Chân Trí” và “Chân Lý”. Đặc biệt, bên hông chánh điện có một lối đi dẫn ra một lô cốt đặt pháo cao xạ cỡ lớn. Được biết, bệ pháo này được xây dựng rất kiên cố để sẵn sàng sử dụng vào những lúc tình hình quân sự có chuyển biến. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ lựa chọn để săn cho mình những bức ảnh đẹp, nghìn like.
Bên trong khuôn viên Trùng Sơn cổ tự còn có vài hạng mục đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Xung quanh là khung cảnh núi non hùng vĩ với các vị trí đứng ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp. Vào những ngày ba mươi, mùng một, mười bốn, mười lăm âm lịch, đặc biệt là các ngày lễ quan trọng của Phật giáo. Chùa là nơi diễn ra nhiều hoạt động, thu hút bà con Phật tự lẫn du khách gần xa đến tham dự.
Khám phá thắng cảnh núi Đá Chồng – thắng cảnh nổi tiếng của Ninh Thuận
Với chiều cao khoảng vài chục mét so với mặt nước biển và vị trí nằm giữa trung tâm huyện Ninh Hải được bao quanh bởi cánh đồng lúa, khu dân cư, sông, đầm biển cả nên khi đứng trên đỉnh có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh đẹp.
Cuốn hút và nổi bật trong số này có thể kể đến hình ảnh của hai cây cầu Tri Thủy và Ninh Chữ hàng ngày in bóng trên dòng sông Nại thơ mộng. Đầm Nại hoang sơ, hữu tình với bao cảnh sắc nên thơ của non nước và đồi núi chập chùng.
Ngôi sắc tứ Kim Sơn Tự hiện hiện, ẩn ẩn trong làn sương sớm tinh mơ, mỗi trưa đến cuối chiều vang lên câu kinh, tiếng chuông nghe nhẹ lòng người qua đường. Đình làng Dư Khánh qua bao năm vẫn còn nét tôn nghiêm, cổ kính đứng dưới bóng mát cây đa cổ thụ không biết có từ khi nào. Hay bờ biển Ninh Chữ xinh đẹp nổi tiếng được rất nhiều du khách trong lẫn ngoài nước biết đến.
Theo lời thuật của các bậc cao niên sống quanh núi, núi Đá Chồng có hình đáng khá đặc biệt, tựa như đầu con chim Phụng đang trầm mặc quan sát điều gì đó. Nếu như những ngọn núi khác thường xanh màu xanh của hoa lá, cây cỏ, thì núi Đá Chồng lại nhấp nhô những hòn đá lớn đủ hình thù sếp chồng lên nhau và điểm xuyết bằng những nét xanh mảnh của cây cối chen mọc từ những khe đá.
Và chắc có lẽ địa thế đặc biệt, nhiều ý nghĩa được người xưa thêu dệt, cùng phong cảnh hữu tình nên các vị chân tu đã lựa chọn làm nơi xây dựng các cơ sở thờ tự như Văn Thánh Miếu thờ Khổng Tử, Trùng Quang Tự, Trùng Sơn Cổ Tự và Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ.
Mỗi cơ sở thờ tự là một công trình kiến trúc độc đáo đẹp mắt. Cụ thể, Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử có vị trí dưới chân núi cuốn hút với vẻ thanh tịnh, nhẹ nhàng, hàng ngày là nơi lui tới hành hương, viếng Phật của du khách. Từ dưới sân nhìn lên theo hướng Đông là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi, hiền hòa, đứng hiên ngang giữa đất trời. Bao năm nay vẫn là một đức tin được bà con Phật tử trong vùng gửi gắm niềm tin.
Theo con đường dốc với hơn 100 bậc thang cấp tại lưng chừng núi nhìn theo hướng Bắc là chùa Trùng Quang và Miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử. Đặc biệt tại đây vào năm 1963, đã diễn ra sự việc trấn yểm phong thủy “hòn đá Dao” nổi tiếng của Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa – Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mà đến nay nhiều người dân Phan Rang vẫn còn tường trận.
Sau cùng nổi bật hơn cả là Trùng Sơn cổ tự với các hạng mục kiến trúc độc đáo trên đỉnh núi. Có thể nói, đây toàn thể công trình là một sự kết hợp bắt mắt, hài hòa giữa phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam và lối kiến trúc La Mã cổ đại mà chỉ nhìn sẽ liên tưởng ngay đến một công trình nổi tiếng thế giới chính là “đấu trường La Mã”. Bao quanh là cảnh sắc núi non hùng vĩ, không khí trong lành rất lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn với thiên nhiên
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chuyện trấn trạch núi Đá Chồng
Xét về độ cuồng tín và đa nghi thì Nguyễn Văn Thiệu (05/04/1923 – 29/09/2001,người từng giữ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, giai đoạn 1967 – 1975) được liệt vào hàng bậc nhất trong các đời tổng thống của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Chuyện trấn trạch núi Đá Chồng xảy ra trong một lần về thăm quê, các thầy phong thủy sau khi xem xét long mạch đã phán, Mặt Quỷ và Đá Dao chính là mấu chốt “yểm mệnh” tổng thống Thiệu. Theo đó, do nhà ông Thiệu giáp mặt với đá Mặt Quỷ là điềm vô cùng xấu, ảnh hưởng đến quan lộ của ông cả đời.
Nhưng công danh của ông vẫn rực rỡ khi nghiễm nhiên ngồi ghế tổng thống là nhờ hòn Đá Dao “trấn quỷ”. Tin răm rắp vào lời quân sư, Thiệu đã cho trấn yểm núi Đá Chồng, “tăng lực” cho Đá Dao để tiếp thêm linh khí cho mình.
Để chấn trạch núi Đá Chồng, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Thuận Hải (nay tách thành Ninh Thuận và Bình Thuận) điều một Trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo thành hình chữ Công.
Ngôi miếu này án ngữ phía Bắc núi Đá Chồng. Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục cho làm một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Và để giữ vững “linh khí” của mình, Nguyễn Văn Thiệu đã cắt nguyên một trung đội biệt động quân đến núi Đá Chồng để ngày đêm túc trực bảo vệ công trình.
Năm 1974, hòn Đá Dao đột nhiên vỡ đôi lăn lông lốc xuống chân núi. Và cho đến bây giờ, người dân Phan Rang vẫn còn rất tường tận “vụ án hòn Đá Dao”.
Theo lời các cao niên vùng ven biển Bình Sơn, nơi giáp mặt với núi Đá Chồng thì vào một buổi chiều trời quang mây, nắng ráo, bỗng nhiên hòn Đá Dao vỡ làm hai rồi rùng rùng lăn xuống tông vào đá Mặt Quỷ, khiến 3 hòn đá chồng lên nhau bị lung lay dữ dội rồi cũng vỡ ra.
Các tảng đá lớn lăn xuống chân núi rồi dừng lại, không gây thiệt hại gì cho dân nhưng ông Thiệu thì vô cùng kinh hãi. Và trong vòng 1 năm sau, Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức bị lật đổ, kéo theo sự lụi tàn của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Thông tin tham quan Trùng Sơn Cổ Tự Ninh Thuận
- địa chỉ: đường Trường Chinh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận
- thời gian: từ 𝟔𝐡𝟑𝟎 – 𝟐𝟎𝐡𝟎𝟎 hàng ngày
- giá vé: miễn phí
Thắng cảnh núi Đá Chồng nói chung và Trùng Sơn Cổ Tự nói riêng là TOP điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Ninh Thuận mà bạn không nên bỏ lỡ. Hy vọng với những thông tin tên sẽ giúp bạn hiểu hơn về địa danh này. Chúc bạn có chuyến du lịch Ninh Thuận và tham quan Trùng Sơn Cổ Tự ý vui vẻ.