Tập tục tổ chức tang ma của người Chăm Bàni nhìn chung có nhiều nét tương đồng với người Chăm Bàlamôn. Cũng có sự phân biệt về chết theo lửa tuổi, chết lành, chết không lành và theo đẳng cấp. Tuy nhiên, do nét tín ngưỡng trong văn hóa khác nhau nên cách thức tổ chức hơi khác về mặt hình thức để phù hợp với quy định của cộng đồng.

Đôi nét về tập tục tổ chức tang ma của người Chăm Bàni Ninh Thuận

Đầu tiên, cái phải nói đến là người Chăm Bàni không có tục quàn thi hài trong nhà lâu, nếu mất buổi sáng, buổi chiều phải mang đi chôn ngay, còn mất vào buổi chiều, thì chôn vào sáng hôm sau.

Riêng với trường hợp người chết “không lành” do bị tai nạn hay gì đó thì phải qua giai đoạn “mang đi gửi”. Nơi gửi thi hài không phải là nghĩa trang chính (ghur), mà là mảnh đất cạnh đó và phải đợi 2 – 3 năm sau, khi da thịt bị tiêu hủy hết, chỉ còn bộ xương, thân nhân mới cải táng rồi làm đám tang chính thức theo nghi thức của người “chết lành”.

Cũng như cộng đồng Chăm Bàlamôn, việc tổ chức một tang lễ được đồng bào Chăm Bàni thực hiện theo một quy trình cụ thể, chi tiết với đầy đủ các nghi thức của tang lễ.

Lễ hội Ramưwan diễn ra tại Ghur
Lễ hội Ramưwan diễn ra tại Ghur

Đầu tiên, khi có người mất, dòng họ sẽ tiến hành dựng rạp. Sau đó thân nhân sẽ mời những người thường làm các công việc trong tang lễ đem thi hài tắm rửa sạch sẽ bằng rượu và mời thầy Acar đến đọc kinh làm lễ và tẩm liệm. 

Liệm xong, thân nhân đưa thi thể qua cái giàn bằng tre có 8 đòn, bó hai lớp vải và buộc bằng bà sợi dây. Tiếp tục, thầy Imưm trong dòng họ sẽ dẫn đoàn tu sĩ, từ 6 đến 12 người tùy độ tuổi, cùng 8 người khiêng giàn đi. Đi được nửa đường, đoàn người dừng lại làm lễ trở đầu thi thể rồi đi tiếp về nghĩa trang.

Lúc đến gần ghur (nghĩa trang), 8 người khiêng giàn tre sẽ dừng lại để 4 vị thầy Acar ngồi lên đọc kinh đưa tiễn linh hồn người chết nhập vào ghur.

Các tu sĩ đang làm lễ tại nghĩa trang Ghur
Các tu sĩ đang làm lễ tại nghĩa trang Ghur

Tại ghur, thân nhân sẽ đào sẵn một cái huyệt tương ứng với kích thước của thi thể. Thi hài người chết sau khi đưa đến ghur, người hỗ trợ đám tang sẽ đặt thi hài theo đúng quan niệm của đồng bào. Đầu sẽ hướng về phía bắc; thân nằm nghiêng hướng mặt về phía tây.  Sau khi đặt xong thi hài, thân nhân sẽ chính thức lắp đất đắp mộ. 

Có một điều hay trong tục tục làm tang ma cho người chết của cộng đồng Chăm Bàni là trong tang lễ, đồng bào không sử dụng hương (nhan), vàng mã. Thân nhân trong gia đình dòng họ không la khóc, buồn sầu mà ngược lại sẽ vui để tiễn biệt người chết về cõi vĩnh hằng, nơi có cuộc sống mới. 

 

Đặc biệt, người Chăm có câu: “Mik wa đih di tada gơp”, nghĩa là Bà con nằm trên ngực nhau. Người mất sau có thể được chôn nối lên trên thi hài của người mất trước đó, nếu thi hài đã hóa bụi đất, còn không thì được chôn sát ngay cạnh người thân cũ. Thế nên bên dưới hai hòn đá của mỗi phần thường có hơn một thi hài, đồng bào quan niệm như vậy vừa “ấm áp” vừa tiết kiệm khoảnh đất cho nhau.

Không những vậy, mộ của đồng bào Chăm Bàni không được đắp cao như mộ của người Việt (Kinh), mà chỉ lấp thành mô đất rất thấp, với hai hòn đá đặt phía đầu và chân mộ phần. Sau khi xong lễ ở ghur, mọi người trở về nhà. Lúc đi về, con cháu không được quay lại nhìn nấm mộ, bởi người Chăm quan niệm rằng người chết sẽ nhận ra họ và trở về quậy phá.

Tiếp theo đám tang chính thức là các nghi thức lễ tuần (padhi) được diễn ra theo thức tự như:

  • Ngày đầu tiên khởi sự (Rơp War).
  • Ngày thứ hai giết đôi trâu tế (Tak Kabaw Yuw).
  • Ngày cuối cùng là ngày đưa tiễn (Pok Naung). 

Sau ba ngày lễ này, cuộc sống của thân nhân trong nhà có người chết sẽ trở lại bình thường, và cứ đến tháng 9 Hồi lịch (lễ hội Ramưwan) hàng năm, hoặc các ngày lễ nhỏ của cộng đồng. Thân nhân trong gia đình và dòng tộc lại đến ghur thăm viếng và mời người đã khuất về tham dự.

Ghur (nghĩa trang) của người Chăm Bàni trong tập tục làm tang ma

Ghur hay ghurrak, là nghĩa trang tộc mẹ của người Chăm Bàni, là nơi yên nghỉ của những người sau khi qua đời, đồng thờ là nơi diễn ra nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội lớn nhỏ mà Ramưwan là một điển hình. 

Khác với Kut (nghĩa trang dòng họ mẹ của người Chăm Bàlamôn), một làng Chăm Bàni chỉ có một Ghur duy nhất. Trong ghur, mỗi dòng tộc sẽ có khoảng một khuôn viên để chôn cất người trong dòng họ mình. Thường thì Ghur được đặt cạnh làng, chỉ cách làng vài trăm thước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Được biết, ngày trước Ghur của đồng bào Chăm Bàni đa phần tập trung gần với các bờ biển [trải dài từ Cà Ná (xã Cà Nà – huyện Thuận Nam) đến Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải – huyện Ninh Hải) bây giờ]. Tuy nhiên, do biến thiên lịch sử, nhiều làng Chăm Bàni dời đi xa khỏi vùng biển, cho nên có nhiều ghur không còn an táng nữa nhưng không phải vì thế mà ghur bị bỏ hoang hẳn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều này khác với kut của người Chăm Bàlamôn, vì theo chế độ mẫu hệ nên người em gái út sẽ hưởng hết gia tài và nhận trọng trách chăm sóc mồ mả, ông bà tổ tiên. Cho nên, người con gái út cuối cùng thuộc dòng tộc dù như thế nào cũng phải quan tâm. Chỉ trừ khi là gia đình không có con gái út, hoặc vì điều kiện nào đó không thể qua tâm.

Ở Ninh Thuận, hiện còn hai ghur cổ hiện còn được thờ phụng là ghur Darak Naih ở thôn Khánh Nhơn – xã Nhơn Hải – huyện Ninh Hải và ghur Ram ở gần thôn Sơn Hải – xã Phước Diêm – huyện Thuận Nam. Hai ghur này có mặt từ ba thế kỹ trước. Còn ở Bình Thuận, có ghur Karang là nghĩa trang cổ nhất, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Liên Hương hướng đông bắc và cách bờ biển khoảng 500 mét.

Những kiêng kỵ trong tang ma và trong cuộc sống của người Chăm Bàni Ninh Thuận

Cũng như người Chăm theo Bàlamôn và người Chăm theo Hồi giáo Islam, người Chăm Bàni khi làm tang lễ cho người chết có những quy định bắt buộc phải tuân thủ những điều kiêng kỵ.

Như trên đã đề cập, khi làm lễ tang cho người chết, đồng bào tuyệt đối không dùng của cải, không dùng hàng mã (mặc dù để đốt). Vì theo quan niệm của đồng bào tin rằng, trong sinh hoạt ở cõi âm cũng hệt như cõi dương, nên những thứ đó gửi xuống chỉ bằng thừa.

Không gọi tên người đã khuất, mà dùng từ ám chỉ cốt cho người nghe hiểu. nếu gọi tức nghĩa là kêu hồn người chết về.

Người chết ở ngoài làng phải chôn cất ngoài làng, sau đó mới được tiến hành làm đám ở gia đình. Người Kinh sống chung làng với người Chăm, nếu gia đình có thân nhân chết ngoài làng, Ban phong tục có thể cho đưa thi thể vào nhà để thực hiện đúng với nghi thức của tộc người Kinh, nhưng sau đó tang gia chịu khoản phí cần thiết để thầy Po Adhia làm lễ tẩy uế.

Cũng như người Việt, vong linh người do bị cọp vồ thường rất linh thiêng. Vì vậy phải làm lễ, cúng tế đầy đủ.

Trong sinh hoạt hàng ngày, rót nước uống hay rượu bia thì phải rót theo chiều thuận, rót ngược lại chỉ dành cho người chết. Trải chiếu cũng vậy, phải theo hướng Đông – Tây chứ không theo hướng Bắc – Nam, vì hướng Bắc – Nam là hướng nằm của người chết.

Nhật ký hành trình: “Khám phá văn hóa Chăm Ninh Thuận”

Nguồn: Bài viết dựa theo tư liệu sách “Văn hóa Phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”, Nxb Nông Nghiệp; và quá trình tìm hiểu thực tế.

Ảnh: Jamen Iavan

Blogger Kafin and Blogger Hiếu Tử

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *