Những ghi chép cho thấy, từ xưa đến nay, cư dân Chăm vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, tổ chức xã hội theo dòng họ mẹ. Trong xã hội Chăm, chế độ mẫu hệ thể hiện rõ nhất qua cách bố trí khuôn viên nhà theo kiểu liên gia, tập trung nhiều gia đình cùng dòng họ, gọi là gơp. 

Trong một dòng họ có nhiều chi họ, họ gọi là ciet prauk. Cho đến khi chết, tinh cốt người mất bên dòng Chăm Bàlamôn được đưa vào kut là nghĩa trang tộc mẫu, còn bên Chăm Bàni thì đưa vào ghur cũng thuộc về dòng họ mẹ.

Cho đến nay, thế hệ Chăm chưa biết chế độ mẫu hệ bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, dựa theo cách giải thích trong các truyền thuyết gắn liền với những vị vua Chăm mà tiêu điểm là về Bà Chúa Xứ (Po Yang Inư Nagar) dựng lên vương quốc Champa cổ đại, tương ứng với sự hình thành và tồn tại của chế độ mẫu hệ Chăm. 

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cánh đàn ông cũng đã vài lần muốn truất phế trật tự này. Minh chứng cho điều này, vào thế kỷ XII, vua Po Klong Garai đã nghĩ ra một kế thử thách là thi đào mương ở vùng Paduga để thay đổi trật tự xã hội nhưng bên thắng cuộc vẫn thuộc về giới chân yếu tay mềm do đó chế độ mẫu hệ được khẳng định trở lại.

Ảnh Jamen Ivan
Ảnh Jamen Ivan

Dù người Chăm theo chế độ mẫu hệ nhưng không có nữ vương, cũng bởi quan niệm đàn ông phận chiến đấu, đàn bà phận giữ nhà. Phận của đàn bà là sinh nở, vậy hãy để cho họ cai quản gia đình. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của họ. Còn nam giới, hãy trang bị cho họ đầy đủ vũ khí sắc bén để họ lăn xả vào cuộc chiến lớn, khốc liệt hơn. Khác đi, hãy để cho họ cai quản xã hội.

Người đàn ông có thể vùng vẫy bốn phương trời, có thể lấy người dị tộc, nhưng đàn bà thì ở lại, gắn chặt đời mình trong phạm vi thôn xóm nhằm bảo lưu mảnh đất của cha ông, phong tục tập quán của tổ tiên, ít khi (và thậm chí là không có cơ hội) lấy chồng không cùng độc tộc. Do đó, có thể nói người Chăm khá “thuần chủng” theo dòng máu mẹ.

Ảnh: Jamen Ivan
Ảnh: Jamen Ivan

Thay vì dùng từ âm dương theo triết lý Trung Hoa, người Chăm thường dùng từ đực và cái. Mọi sự vật hiện tượng như cỏ cây hay các bộ phận làm nên nhà cửa đều có đực và cái, đến con mương cũng có Mương đực – mương cái, hay giếng Bingun Likei (giếng đực) – Bingun Kamei (giếng cái). Tôn giáo thì có Chăm Bàlamôn (thể hiện cho đức) và Chăm Bàni (thể hiện cho cái),  … Riêng, nhưng vẫn chung.

Điểm khác biệt của người Chăm so với các dân tộc khác là, các vị chức sắc buộc phải có vợ. Theo chế độ mẫu hệ, người đàn ông, nhất là các chức sắc cần có sang (nhà) để ở, có danauk (chốn, nơi, vị) để ngự. Mà dannauk này phải là nhà vợ.

Biểu hiện rõ nhất ở Chăm Bàni, khi có việc, ví dụ như khi chuyển từ cấp Acar lên cấp Mưdin,… cần phải đến danauk kamei mới xong việc. Ở nhà hay trong Sang Mưgik (thánh đường Bàni), bà ngồi ngay cạnh ông, lập danauk để ông hành sự, …

Chính tinh thần Mẫu Chăm, mà cộng đồng này hình thành nên 3 hiện tượng không độc đáo: không đĩ điếm, không ăn xin, [đàn ông không mù chữ). Cụ thể, không đĩ điếm nói lên lòng chung thủy và cuộc sống lương thiện của người đàn ông. Không ăn xin nói lên tinh thần tự lập, và không mù chữ nói lên tính trí thức để biết và hiểu những cái hay ở đời.

Những lục tuần và tầm ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ trong đời sống

Theo nội dung trong quyển “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận” của ba tác giả Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu đồng chủ biên: 

“Luật tục được hiểu là những hệ thống quy phạm xã hội được thể hiện bằng cách các câu thơ có vần, có điệu, bao gồm các quy tắc xử sự chung trong cộng đồng người Chăm, chứa đựng những tiêu chí về đạo đức, luân lý, cách ứng xử, phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo được nhiều thế hệ người Chăm xây dựng và lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay.

Những điều này nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng động, được mọi thành viên trong công động người Chăm tự giác thực hiện”.

Luật tục về các quy định trong tài sản và thừa hưởng tài sản trong gia đình

Luật tục Chăm cũng quy định toàn bộ tài sản phục vụ việc cúng tế trong gia đình như quần áo cúng tế, nồi đồng, mâm đồng, ống nhổ, chén bát,… do con gái út thừa hưởng toàn bộ và có trách nhiệm quản lý để thờ cúng cha mẹ, tổ tiên.

Đối với các loại tài sản khác trong gia đình như nhà cửa, ruộng đất, trâu bò, tiền bạc, …khi cha mẹ còn sống thì trích cho con gái lớn một phần tài sản khi họ lập gia đình ra ở riêng, trích một phần cho con trai làm của hồi môn khi cưới vợ.

Khi cha mẹ chết thì phần lớn tài sản do con con gái út thừa kế. Một phần nhỏ chia có các chị gái nhưng luật tục không quy định cụ thể là chia bao nhiêu mà do người em gái út quyết định. Các anh em trai không được quyền hưởng tài sản thừa kế của cha mẹ dù họ có công đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình khi cha mẹ còn sống

Trong trường hợp con nuôi, nếu con nuôi là con của chị, em ruột của vợ thì người con nuôi sẽ được hưởng toàn bộ tài sản thừa kế. Nếu là con của một người trong dòng họ vợ thì nó sẽ được hưởng ⅔ khối tài sản, ⅓ khối tài sản sẽ được trả lại cho dòng họ của người vợ và nếu là con của một người ngoài thì nó chỉ hưởng  một nửa khối tài sản, phần tài sản sẽ thuộc về dòng họ vợ.

Ảnh Jamen Ivan
Ảnh Jamen Ivan

Theo chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ được đề cao. Toàn bộ tài sản trong gia đình do người vợ quản lý. Toàn bộ các vấn đề kinh tế trong gia đình cũng do người vợ quyết định.

Khi các anh em trai và chị gái còn sống với gia đình cưa ra ở riêng thì tài sản làm ra nhập chung với tài sản gia đình do người mẹ quản lý mà không được quyền lập tài sản riêng. Do đó, nếu các anh em trai và chị gái không còn ở với cha mẹ mà chết thì đương nhiên theo Luật tục Chăm thì sẽ không có tài sản riêng và không phát sinh vấn đề thừa kế. Trong trường hợp này đương nhiên cha mẹ phải là người lo việc cúng tế cho con cái.

Ảnh Jamen Ivan
Ảnh Jamen Ivan

Trong gia đình, khi người chết trước, toàn bộ tài sản do chồng làm ra khi còn sống do vợ quản lý và tất nhiên khi chồng chết vợ phải lo tang ma cho chồng.

Sau khi người vợ chết thì toàn bộ tài sản giao cho con gái út quản lý và có trách nhiệm lo tang ma, cúng tế cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Khi người vợ chết trước, toàn bộ tài sản trong gia đình sẽ do người chồng quản lý và lo tang ma cho vợ. 

Khi mãn tang vợ (1 năm), con gái út đã trưởng thành thì người chồng phải giao toàn bộ tài sản cho con gái út quản lý nếu người chồng đi lấy vợ khác. nếu không lấy vợ khác, người chồng vẫn tiếp tục quản lý tài sản. Và, khi người chồng vẫn ở vậy, chết thì con gái út hưởng toàn bộ tài sản thừa kế.

Trong trường hợp vợ chồng không có con, vợ chết trước thì chồng sẽ lo tang ma cho vợ. Khi mãn tang, chồng phải giao toàn bộ tài sản cho tộc họ bên vợ. Người chồng chỉ được trích một phần nhỏ mang theo về nhà mẹ để làm kế sinh nhai và chi phí cho tuổi già.

Ảnh Jamen Ivan
Ảnh Jamen Ivan

Luật tục về quy định hôn nhân và gia định

Có thể nói, trong tất cả luật tục của đồng bào Chăm thì những luật tục quy định về hôn nhân và gia đình chiếm vị trí quan trọng.

Vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên nữ giới đi cưới nam giới, nên gái là nội tộc và bên trai là ngoại tộc. Luật tục Chăm thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, song khi hai người muốn kết hôn phải có sự đồng ý của cha mẹ và hai bên họ tộc.

Để được công nhận là vợ chồng, nhà gái phải làm các lễ là: lễ dạm hỏi (luak panuec), lễ hỏi (ahar puec), lễ kết (ahar klaaoh panuec), và lễ cưới (ndam ndih anâk mâtwn hay nadam khah). Trong các lễ trên, lễ kết có vai trò quyết định, vì trong lễ kết đại diện họ đàng trai và họ đàng gái đã thảo luận đồng ý đi đến thống nhất và ấn định ngày giờ tổ chức đám cưới.

Ảnh: Jamen Ivan
Ảnh: Jamen Ivan

Lễ cưới là khâu cuối cùng, phải có sự tham gia đầy đủ của hai bên gia đình, tộc họ và làng xóm. Luật tục Chăm quy định sau lễ cưới chú rể phải ở nhà cô dâu ba ngày ba đêm theo phong tục thì lễ cưới đó mới có giá trị và được coi là bằng cớ hôn nhân.

Trong ba ngày đêm ba đêm đó chú rể tuyệt đối không được về nhà mình cho dù nhà có gần đó. Khi hai bên đã thống nhất ngày cưới trong lễ kết mà một bên không thực hiện lễ cưới không có lý do chính đáng thì Luật tục Chăm quy định phạt vạ. Bên vi phạm phải bồi thường danh dự bằng váy, áo và cặp vòng tay bằng đồng, kèm theo lễ vật trầu rượu để cúng tạ tổ tiên và thiết đãi họ hàng của người bị bãi hôn.

Luật tục Chăm coi thất ước bãi hôn là vi phạm thuần phong mỹ tục để lại hậu quả là người con gái bị lỡ duyên sau này không ai lấy, còn gia đình, dòng họ thì bị mất danh dự mà người Chăm rất coi trọng danh dự. Họ nói:”Thà mất đôi trâu, đừng để mất danh dự”.

Ảnh: Jamen Ivan
Ảnh: Jamen Ivan

Trong trường hợp lễ cưới đã được hai bên thống nhất trong lễ kết, song chưa tới ngày mà trong họ của một trong hai bên có tang, hoặc trong họ tộc của một trong hai bên vừa tổ chức các lễ nghi  lớn như lễ nhập kut, lễ múa lớn thì phải tạm đình chỉ hôn. Thời gian đình chỉ ít nhất là một năm.

Tuy nhiên trong trường hợp này, Luật tục Chăm cho phép có thể tổ chức cho cưới lén, tức là không tổ chức cưới chính thức mà chỉ cúng tổ tiên trong nhà. Sau khi mãn hạng kiêng cữ thì nhà gái đem lễ vật (trầu rượu bánh trái) đến nhà trai cúng tạ lỗi với tổ tiên và thiết đãi họ hàng nhà đàng trai, thì cũng coi như là giá thú của hôn nhân.

Về độ tuổi kết hôn, Luật tục Chăm quy định con gái 16 tuổi, con trai 18 tuổi. Nếu chưa đạt đủ độ tuổi trên thì không được kết hôn. Luật tục Chăm không chấp nhận việc tảo hôn, đặc biệt là đối với người Chăm Hồi giáo Bàni và muốn làm lễ cưới phải có ngày do các tu sĩ cho.

Khi con gái, con trai chưa làm lễ trưởng thành (còn gọi là lễ nhập đạo, lễ cho gái là Kareh và lễ cho con trai gọi Katat) thì các tu sĩ sẽ không cho ngày tháng để tổ chức lễ cưới. Người Chăm quan niệm rằng, khi chưa tới tuổi trưởng thành thì con người chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, nên họ chỉ hành động theo cảm tính và tảo hôn sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc lứa đôi, ảnh hưởng tới việc sinh con sau này.

Họ nói: “Vú chưa mọc khỏi ngực, nước mũi hỉ chưa sạch làm sao cho biết cuộc sống gia đình” mà “Thấy nước vội tắm, thấy gái vội yêu” và khẳng định: “Cưới nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Tảo hôn như thế khó mà sinh con”.

Nhật ký hành trình: “Khám phá văn hóa Chăm Ninh Thuận”

Bài viết được tổng hợp từ thông tin, nội dung sách “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”, Nxb Nông Nghiệp.

Ảnh: Photo Jamen Ivan

Travel Blogger

Blogger Kafin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *