Người Chăm Ninh Thuận không chỉ tự hào về nghề gốm truyền thống cổ xưa được Unesco ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp mà còn hãnh diện với nghề dệt thổ cẩm đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật và trở thành “biểu tượng rực rỡ vàng son” của Champa-xứ Panduranga. Với mong muốn giúp du khách hiểu thêm về nghề dệt thổ cẩm truyền thống này, bài viết kỳ này KhámpháNinhThuận.com xin giới thiệu chi tiết về làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp – nơi gấm hoa nở trên những đôi bàn tay.
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần chuẩn bị những gì? – Chia sẻ chi tiết từ Local Guide
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần bao nhiêu tiền, có nên đi tự túc?
- Xem thêm: Du lịch Ninh Thuận đặt phòng ở đâu, khu vực nào là tiện nhất?
Làng dệt Mỹ Nghiệp ở đâu trên bản đồ du lịch Ninh Thuận?
Cách trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng hơn 12km về hướng Tây Nam, làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc 2 địa phận (khu phố Mỹ Nghiệp và khu phố 13), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Nằm đối diện làng Mỹ Nghiệp không xa về hướng Bắc khoảng 2km ngăn cách nhau bằng đường Quốc lộ 1A là làng Bàu Trúc (làng gốm Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là 𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐓𝐫𝐨𝐤).
Bên cạnh tên gọi Mỹ Nghiệp gọi theo tiếng Việt thì làng còn có tên gọi khác là Nha Tranh (theo địa giới hành chính) và tiếng Chăm là 𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐂𝐚𝐤𝐥𝐚𝐢𝐧𝐠 . Đời sống văn hóa, tín ngưỡng trong làng khá phong phú. Người Chăm Mỹ Nghiệp chủ yếu theo Bàlamôn giáo, hàng năm còn duy trì rất nhiều phong tục cúng tế.
Người Chăm Mỹ Nghiệp còn nhận mình là con cháu của vua Chăm 𝐏𝐨 𝐊𝐥𝐚𝐨𝐧𝐠 𝐆𝐢𝐫𝐚𝐢 (𝟏𝟏𝟓𝟏-𝟏𝟐𝟎𝟓), một vị vua có công lớn đối với dân tộc Chăm. Hiện nay trong làng Mỹ Nghiệp còn có một số di tích như 𝐏𝐚𝐭𝐮𝐰 𝐚𝐭𝐡𝐚𝐢𝐡 (đá ngựa), 𝐩𝐚𝐭𝐮𝐰 𝐝𝐚𝐫 𝐭𝐡𝐚𝐨𝐤 (nơi chôn nhau của vua Rồng Po Klaong Girai), 𝐏𝐡𝐮𝐧 𝐨𝐤 (cây xoài) là nơi ghi dấu những sự kiện mà lúc thiếu thời vua thường lui tới. Vì lẽ đó mà dân làng Mỹ Nghiệp suy tôn vua 𝐏𝐨 𝐊𝐥𝐚𝐨𝐧𝐠 𝐆𝐢𝐫𝐚𝐢 như tổ tiên, vị thần bảo hộ che chở của làng mình.
Lịch sử hình thành nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và tổ nghề khai sáng
Người dân Mỹ Nghiệp kể rằng: Chính là Po Yang Inư Nưgar (𝐏𝐨 𝐍𝐚𝐠𝐚𝐫, “Mẹ xứ sở” và là nữ thần lớn của vương quốc Champa) đã khai sáng ra nghề dệt và truyền dạy cho dân. Thần còn có tên gọi khách là Muk Juk (người Việt gọi là Bà Đen Thiên Y Thánh Mẫu A Na), người Chăm gọi là 𝐏𝐚𝐭𝐚𝐨 𝐊𝐮𝐦𝐚𝐲 (vua của đàn bà) hoặc 𝐒𝐭𝐫𝐢 𝐑𝐚𝐭𝐣𝐧𝐡𝐢 (“Chúa” của phụ nữ). Thần Po Yang Inư Nưgar sinh ra từ một đám mây và bọt biển. Thần có 97 ông chồng, nổi tiếng nhất là Po Amư hay 𝐏𝐨 𝐘𝐚𝐧 𝐀𝐦𝐮 (“Ngài” thần cha).
Mẹ xứ sở sinh ra 38 cô con gái, tất cả đều hóa thành tiên nữ và thần. Tuy nhiên chỉ có 𝐏𝐨 𝐁𝐢𝐚 𝐓𝐢𝐤𝐮𝐡 (Bà chúa “Chuột” bảo hộ vùng Phan Thiết), 𝐏𝐨 𝐂𝐚𝐡 𝐀𝐧𝐚𝐢𝐡 (Nàng Cah bảo hộ vùng Phan Rang) và Po Nưgar Gaholau (“Bà xứ Trầm” bảo hộ vùng Nha Trang, Phú Yên) là được nhân dân lập điện thờ phụng.”
Truyền thuyết kể rằng, 𝐏𝐨 𝐈𝐧𝐚 𝐍𝐚𝐠𝐚𝐫 đã xuống trần sinh sống với người Chăm, dạy người Chăm cày cấy, trồng lúa, dệt vải…, cũng như cách tổ chức, xây dựng nhà nước và xây đền tháp thờ các vị thần. Với nhiều công lao giúp nhân dân Champa thoát khỏi cảnh lầm than, nghèo khó và đói khổ, 𝐏𝐨 𝐈𝐧𝐚 𝐍𝐚𝐠𝐚𝐫 được tôn thờ và xem như một vị thần bảo hộ trong tín ngưỡng thờ mẫu.
Tại Ninh Thuận hiện nay, người Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo luôn tôn sùng “Mẹ xứ sở” và có một ngôi điện thờ tại thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) hàng năm là nơi diễn ra bao lễ nghi quan trọng. Riêng tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) thì có hẳn một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tên Ngài (cụm đền tháp Po Nagar, theo ghi chép được xây dựng vào khoảng thế kỷ VI) và từ 21-21 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Po Nagar. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức, nghi lễ cúng bái truyền thống của người Chăm còn có nghệ thuật múa Bóng và hát Chầu Văn của người Việt.
Trở lại câu chuyện nghề dệt thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp, mặc dù trải qua một quá trình biến đổi lịch sử, có sự tác động trên nhiều khía cạnh tự nhiên và xã hội, nhưng người Mỹ vẫn giữ lưu truyền, gìn giữ và phát huy mạnh mẽ.
Năm 2017, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Nghệ thuật dệt thổ cẩm của làng Chăm Mỹ Nghiệp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Một điều có ý nghĩa quan trọng trong việc khích lệ tinh thần gìn giữ nét tinh hoa độc đáo đã đạt đến một thời vàng son Đông Nam Á.
- Xem thêm: Cẩm nang du lịch Ninh Thuận 4 ngày 3 đêm từ Hà Nội mới nhất
- Xem thêm: Gợi ý lịch trình du lịch Ninh Thuận 3 ngày 2 đêm siêu tiết kiệm
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận 2 ngày 1 đêm trọn gói thú vị nhất
Nghệ thuật dệt thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp có gì độc đáo và khác biệt?
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp tồn tại qua bao đời được là nhờ phong tục mẹ truyền con nối. Người dân ở đây coi việc biết dệt vải là tiêu chuẩn đánh giá sự khéo tay, đảm đang của người phụ nữ và là một trong những tiêu chuẩn về mẫu phụ nữ Chăm lý tưởng, đẹp người, đẹp nết cho người đàn ông hướng tới.
Để dệt ra một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn và phải sử dụng nhiều công cụ liên hoàn. Từ việc hái bông ngoài đồng đem về tách hạt lấy bông, cho đến kéo sợi, nhuộm, hồ, chải và đánh ống, móc chỉ, lên go…Trước đây, thổ cẩm Chăm được dệt từ sợi cây bông vải. Tuy vậy từ sau thời Pháp thuộc nghề trồng dâu nuôi tằm của người Chăm bắt đầu không được chủ ý và sau năm 1975 thì mất hẳn.
Bây giờ, khi không còn ai trồng bông nữa, người dệt thổ cẩm sử dụng các loại sợi có sẵn trên thị trường nên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, các bước trong quy trình dệt vải như đánh ống, móc sợi, bắt go tạo hoa văn đưa vào khung dệt… đều được thực hiện một cách tỉ mỉ và khéo léo. Tùy công năng sử dụng sẽ có từng loại vải với quy cách và hoa văn khác nhau, nên thổ cẩm sẽ được dệt trên loại khung phù hợp.
Ở Mỹ Nghiệp người làm nghề thường sử dụng 2 loại khung làm bằng gỗ, gồm: Khung dệt vải có khổ hẹp và khung dệt vải khổ rộng (Danưng mưnhim abăn akhăn). Khung dệt vải có khổ hẹp là loại khung có cấu tạo phức tạp, chủ yếu làm bằng gỗ có hình dáng như hình chữ nhật dựng đứng. Kích thước chiều dài khoảng 3m và chiều rộng 40cm. Riêng khung dệt vải khổ rộng có cấu tạo chủ yếu từ gỗ và tre có chiều dài khoảng 1,5m và rộng 1,2m. Khung được cấu thành từ 21 bộ phận sau có thể tách rời và xếp cất khi chưa cần sử dụng.
Khi dệt, để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, người thợ lành nghề cần có một sự tập trung cao độ và bền bỉ. Khi cần tạo ra các hoa văn phức tạp còn cần phải có sự ăn ý nhịp nhàng của 2 người dệt với nhau, nếu chỉ nhầm lẫn 1 đường dệt thôi, sẽ tạo ra những bản hoa văn bị lệch và mất giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm.
Quá trình dệt trên khung vuông hay khung dài sẽ trải qua khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, tùy theo sản phẩm. Quan trọng là quy trình dệt đỏi hòi nghệ nhân thực hiện phải luôn tập trung cao độ, nhịp nhàng, kiên trì cũng như ghi nhớ từng bước cụ thể để làm sao đường nét trên tấm thổ cẩm toát lên tinh xảo nhất.
Nét kỹ xảo tuyệt hảo của hoa văn trên phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Nếu trang phục là một trong những giá trị văn hóa giúp phân biệt sắc thái giữa các vùng miền trong cộng động các dân tộc Việt Nam, thì hoa văn trên trang phục chính là bộ phận quan trọng cấu thành tạo nên sự khác biệt ấy.
Hoa văn trên thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, không chỉ có chức năng trang trí mang tính thẩm mỹ, mà còn là tín hiệu phản chiếu đặc trưng văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng… qua đó có thể phân biệt giới tính, giai cấp, tuổi tác, chức sắc tôn giáo, địa vị xã hội của người sử dụng.
Mỗi sản phẩm ở Mỹ Nghiệp có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng…mỗi kiểu hoa văn trên thổ cẩm đều góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại sản phẩm.
Thổ cẩm có thể được coi là một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc. Các màu trên thổ cẩm được người Chăm dùng phổ biến là màu nguyên, với sắc độ chói chang tạo ấn tượng mạnh như: đỏ, trắng, vàng, xanh lá, ngoài ra các màu khác cũng thông dụng như: đen, nâu, chàm, xanh mực….
Các nghệ nhân lớn tuổi trong làng kể lại, ngày xưa màu của thổ cẩm đều được nhuộm từ thực vật như: Màu đỏ: dùng cây “phun pan” chẻ nhỏ ngâm lấy nước, nhuộm sợi đến khi nào nước hết màu đỏ thì thôi, ngoài ra màu đỏ còn được chế biến từ cánh kiến đỏ; màu đỏ nâu được chế biến từ loại da cây “𝐤𝐚𝐥𝐢𝐡 𝐥𝐢𝐤𝐮𝐧”, loại cây này lấy vỏ tươi chẻ nhỏ ngâm nhiều ngày, vô cây này nhiều nhựa nên màu nhuộm rất bền, khó phai. Màu vàng: chế biến từ củ nghệ; màu nâu; chế biến từ củ “𝐩𝐡𝐮𝐧 𝐣𝐢𝐞𝐧𝐠”, chặt thành miếng ngâm lấy nước ngâm sợi; màu chàm: được chế biến từ cây chậm (𝐦𝐚𝐨𝐰)…
Nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và nét đẹp mẹ truyền con nối qua bao đời
Cũng như nghề làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp từ xa xưa, con gái lớn lên luôn được bà, mẹ truyền nghề, đàn ông chỉ tham gia vào các công đoạn phụ như nhuộm sợi, lên go hay bây giờ là cắt may…
Có dịp đến đây, trên con đường chính dẫn vào làng không khó để bắt gặp nhiều cơ sở dệt. Đây vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi dệt, cũng là nơi sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm và vừa kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Vào làng đi dạo quanh các con ngõ nhỏ, du khách sẽ cảm sẽ được không khí bình yên ở đây. Làng bao năm rồi vẫn thế, trong 1 khuôn viên có nhiều thế hệ gia đình sống chung hòa thuận. Xen trong tiếng trẻ con ê a học bài là tiếng phập phập của Prứk (dao gỗ dùng để dệt) của những nghệ nhân đang lướt trên những khung dệt một cách điêu luyện.
Tiếng baoh karang lanh canh như một điệu nhạc đặc trưng của làng nghề (baoh karang là những vật bằng kim loại hoặc đá san hô treo cố định vào các go, người thợ thường kéo lên xuống để dệt sợi). Đồng thời sẽ được trải nghiệm ngồi trên khung cửi để trở thành nghệ nhân khi tự tay làm nên những sản phẩm độc đáo.
Khách còn được nghe những câu chuyện thăng trầm của nghề dệt, để hiểu được từ cuộn sợi phải trải qua bao công đoạn và thời gian để thành 1 tấm thổ cẩm đầy sắc màu. Sự trải nghiệm nhất định sẽ mang lại cho bạn cảm giác quý giá và trân trọng hơn những sản phẩm thủ công mà người Chăm đã tạo ra.
Ngoài giá trị về mặt vật chất, thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp còn những ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng quý báu. Đó là sự chịu thương chịu khó, đó là tinh thần bền bỉ lưu giữ nền văn hóa đã trải qua hơn ngàn năm của dân tộc mình.
Thông tin tham quan làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp Ninh Thuận
- địa chỉ: khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận
- thời gian: từ 𝟕𝐡𝟑𝟎 – 𝟏𝟖𝐡𝟎𝟎 (hàng ngày)
- giá vé: miễn phí
Trên đây là thông tin tham quan làng dệt truyền thống thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp Ninh Thuận. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về một làng nghề truyền thống có tuổi đời cổ xưa nhất Đông Nam Á. Chúc bạn có chuyến tham quan và trải nghiệm vui vẻ bên người thân và bạn bè.