Tu sĩ, chức sắc hay tăng lữ Bàlamôn giáo người Chăm ở Ninh Thuận được gọi chung là Basaih, khác với Bàni giáo gọi là Acar. Để trở thành một tu sĩ đứng trong hàng ngũ chức sắc Chăm theo Bàlamôn giáo thì phải là ngươi có thể chất tốt như không tàn tật, không dị hình và có khả năng học tập giáo lý, học chữ Chăm cổ truyền thống.

Đôi nét về hệ thống chức sắc tôn giáo người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Tu sĩ, chức sắc hay tăng lữ Bàlamôn giáo người Chăm ở Ninh Thuận được gọi chung là Basaih, khác với Bàni giáo gọi là Acar. Basaih còn được hiểu là theo nghĩa là nhà thông thái, là người có kiến thức uyên thâm và là chỗ dựa tinh thần cho mọi tầng lớp trong xã hội Chăm theo Bàlamôn.

Trong cuộc sống, Basaih là những người đảm nhận các nhiệm vụ thiêng liêng trong sinh hoạt tôn giáo, am tường về lịch pháp và phong tục tập quán của cộng đồng Bàlamôn.

Việc tuyển chọn chức sắc mới trong hệ thống Bàlamôn giáo tương đối khắc khe. Trước hết phải theo nguyên tắc dòng dõi, vì chỉ những người thuộc dòng dõi chức sắc mới vào làm chức sắc Basaih.

Chức sắc Basaih làm thực hiện nghi lễ trong lễ hội Rija Nâgar (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Chức sắc Basaih làm thực hiện nghi lễ trong lễ hội Rija Nâgar (Ảnh: Ngọc Ngộ)

Kế đến điều kiện phải là người có thể chất tốt như không tàn tật, không dị hình và có khả năng học tập giáo lý, học chữ Chăm cổ truyền thống. Mặc khác, người này phải có vợ trước khi gia nhập vào hệ thống Basaih (giống với Bàni giáo).

Tuy nhiên, có một điều lưu ý ở đây, là mặc dù xã hội Chăm theo mẫu hệ nhưng việc chọn làm người tu sĩ không theo dòng mẹ mà theo dòng cha.

Khi đã hội đầy đủ các điều kiện trên, các thầy Basaih trong hội đồng Hội đồng chức sắc Bàlamôn (HĐCS – BLM) sẽ chấp thuận cho làm “Lễ rửa tội” thanh tẩy cơ thể, sau đó chọn ngày giờ tốt để làm lễ Ndung Akaok, chính thức trở thành tu sĩ Basaih cấp thấp nhất để học việc.

Cấp bậc trong hệ thống chức sắc tôn giáo người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Khi chính thức thực hiện “Lễ rửa tội” và được hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo công nhận, tân tu sĩ Basaih sẽ chuyên tâm vào việc học, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất.

Vị tu sĩ sẽ chuyển qua những giai đoạn với các tên gọi cụ thể của từng cấp bậc là: Basaih Ndung akaok, Basaih Liah, Basaih Puah, Po Bac (hay Tapah – Phó cả sư) và Po Adhia (Cả Sư – cấp bậc cao nhất trong hệ thống chức sắc tôn giáo Chăm Bàlamôn).

  • Cấp Basaih Ndung Akaok

Thông qua lễ “Ndung akaok”, vị tân Basaih bắt đầu được học đạo, học chữ và được hướng dẫn thực hành trong nghi lễ đám tang với vai trò là “thợ mộc” (tiếng Chăm gọi là Ong rigei) trong nghi thức của “lễ phạt mộc” (gọi là tak kuyau).

Sau lễ phạt mộc, tu sĩ sẽ tiếp tục làm lễ “Ndung akaok” tại nhà (thường lễ này sẽ được tổ chức vào tháng 11), lễ này tùy vào điều kiện tài chính của gia đình mà quy mô sẽ được tổ chức lớn, nhỏ khác nhau.

Quy trình tổ chức lễ “Ndung akaok” tại nhà sẽ được thực hiện vào ba buổi sáng ngày thứ hai cách nhau một tuần. Chủ lễ thực hiện lễ là vị Po Adhia (Cả Sư), phụ lễ của Po bac (Phó Cả Sư) và các Basaih thuộc các cấp bậc như Basaih Ndung akaok, Basaih Liah, Basaih Puah

Mục đích và ý nghĩa của lễ “Ndung akaok”này mang tính  “chuyển đổi”, tức nghĩa là lễ nhập môn, để vị tân Basaih bắt đầu việc tu học trên con đường đạo của tôn giáo Bàlamôn.

Chức sắc Basaih trong lễ cúng thân PoNai (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Chức sắc Basaih trong lễ cúng thân PoNai (Ảnh: Ngọc Ngộ)

Để thực hiện nghi lễ nhập môn này, trong ba ngày thứ hai của ba tuần, thầy Cả Sư, Phó Cả Sư và các vị tu sĩ khác sẽ trình tự thực hiện ba nghi lễ chính sau đây:

Nghi lễ Cakak aw (lễ may trang phục)
Lễ Cakak aw cho phép may trang phục tu sĩ cho người nhận lễ. Lễ vật của nghi lễ này là một cặp gà. Sau khi chủ lễ Po Adhia thực hiện xong nghi thức thì một vị Basaih đã được chỉ định cùng với các vị Basaih khác phụ giúp bắt đầu cắt và may “áo” cho người nhận lễ.

Nghi lễ cắt may áo chức sắc gọi là “Aw tikuek”. Tuy nhiên, lễ “Aw tikuek” phải hoàn thành trong một buổi sáng vào ngày thứ hai đầu tuần thứ nhất của tháng đã được chọn (như tháng 11 chẳng hạn). Loại vải để cắt may trang phục chức sắc là một loại vải màu trắng truyền thống được dệt ở làng Mỹ Nghiệp.

Nghi lễ Ndung akaok (lễ nhập môn)
Sau lễ may đồng phục, tiếp đến sẽ là lễ Ndung akaok, hay còn gọi là lễ nhập môn. Ý nghĩa của lễ này đánh dấu sự kiện khởi đầu việc tu học của vị Basaih mới. Thời gian tổ chức lễ là vào buổi sáng thứ hai của tuần thứ hai, nghĩa là cách lễ “Cakak aw” 7 ngày. Lễ vật là một con dê, một con gà và bánh trái.

Trong nghi lễ này, vị Basaih mới chính thức mặc trang phục tu sĩ và từ sau nghi lễ này, ông ta phải tập trung cho việc tu học trong thời gian 7 ngày tiếp theo.

Nghi lễ Taleh par
Sau nghi lễ nhập môn, tân Basaih làm lễ tháo mở khăn “khan puah” – cái khăn bằng vải trắng có dây cột hai đầu, không có tua đỏ. Để thực hiện nghi lễ này, thầy Cả Sư sẽ là người hướng dẫn tân Basaih để tân Basaih dùng khăn quấn đầu trong vòng 7 ngày.

Qua khoảng thời gian 7 ngày thực hiện, tân Basaih sẽ tháo bỏ khăn cũ (khăn không có tua đỏ) và chính thức bịt đầu bằng khăn “khan mâtham taibri”(khăn có tua hai đầu của hệ thống chức sắc Basaih). Lễ vật trong nghi lễ này là một cặp gà và một số bánh trái. Thời gian cũng trong một buổi sáng thứ hai, tuần lễ thứ ba.

Trong hệ thống các nghi lễ mà thầy Basaih thực hiện, quan trọng nhất là hệ thống các lễ liên quan đến lễ tang (lễ tang cho người chết chôn, cho người chết thiêu, cho các chức sắc Basaih, …). Trong đó, Basaih Ndung akaok chỉ đảm nhận một nhiệm vụ là người thợ mộc, phạt cây làm nhà táng trong nghi lễ phạt mộc (tak kuyau).

Lễ vật trong nghi thức làm lễ tôn chức Basaih (Ảnh: Inra Jaya)
Lễ vật trong nghi thức làm lễ tôn chức Basaih (Ảnh: Inra Jaya)
  • Cấp Basaih Liah

Sau quá trình học việc ở cấp Basaih Ndung Akaok và thực hiện thành thạo các nghi lễ trong đám tang. Vị tu sĩ sẽ được hội đồng chức sắc tổ chức lễ tôn chức lên cấp Basaih Liah (sau khi đã làm lễ tôn chức “Patruh kanal liah”).

Basaih Liah là người am hiểu và thực hiện được mọi nghi lễ trong đám tang do các cấp cao hơn chỉ dạy và qua kinh nghiệm thực tế phụ lễ. Basaih Liah cũng là phụ tá đắc lực cho Pa Bac trong nghi lễ trên đền/tháp cũng như trong các lễ tẩy uế đất đai (balih anâh).

Nói đúng hơn, khi các nghi lễ trên đền, tháp thực hiện, Basaih Liah là người luôn kề cận để hỗ trợ cho Pa Bac. Qua đó, Basaih Liah sẽ học hỏi và đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân để nhanh chóng đạt đến trình độ cao hơn, mà mục đích để nhanh được tôn chức lên cấp Basaih Puah.  

Chức sắc cấp Basaih Liah đang chuẩn bị làm lễ (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Chức sắc cấp Basaih Liah đang chuẩn bị làm lễ (Ảnh: Ngọc Ngộ)
  • Cấp Basaih Puah

Trên Basaih Liah là Basaih Puah (gọi là Basaih Puah, sau khi đã làm lễ tôn chức “Patruh kanal puah”). Thông thường, để được tôn chức lên cấp Basaih Puah chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của bản thân và sự thừa nhận của Po Adhia, Po Bac, chứ không quy định mấy năm. Tại một số làng Chăm Bàlamôn hiện nay có nhiều tu sĩ trẻ tuổi nhưng đã được tôn chức lên cấp Basaih Puah, do sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng.

Không khác gì mấy với cấp Basaih Liah, cấp Basaih Pual đảm nhận những công việc trong tang lễ, nghi lễ, nghi thức hỗ trợ cúng trên đền tháp,… Tuy nhiên, một khía cạnh hay phạm vi nào đó. Cấp Basaih Pual  sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn do thường xuyên theo hỗ trợ Po Adhia (Cả Sư – cấp bậc cao nhất trong hệ thống Bàlamôn giáo) trong nhiều nghi lễ lớn của cộng đồng.

Chức sắc Basaih cấpBasaih (Ảnh: Jamen Ivan)Puah (Ảnh:
Chức sắc Basaih cấp Basaih (Ảnh: Jamen Ivan)Puah (Ảnh:
  • Cấp Po Bac (Phó Cả Sư)

Sau quá trình tu tập ở cấp Basaih Pual, tu sĩ khi đủ điều kiện sẽ thăng lên cấp Po Bac (To Tapah, gọi là Po Bac, sau khi đã làm lễ tôn chức “Patruh Kanal tapak”).

Po Bac là đẳng cấp cao sau Po Adhia, là người có uy tín, có năng lực thực hiện được tất cả các nghi lễ một cách thành thạo và am hiểu phong tục tập quán. Tôn chức Po Bac không phụ thuộc vào thời gian mà là vào năng lực tu tập, học tập của mình. Cũng có nhiều trường hợp, cả đời không được tôn Po Bac và chỉ dừng lại ở cấp Basaih Puah.

Trong nhiệm vụ, Po Bac là người được quyền thực hiện các nghi lễ trong đám tang, lễ tẩy uế đất đai và nghi lễ trên đền/tháp và một trong số trường có thể thay thế cho Po Adhia làm chủ lễ.

Lễ tôn chức các cấp Liah (Patruh kanal liah), Puah (Patruh kanal Pual), Po Bac (Patruh kanal tapak) tương đối giống nhau về nghi thức và được gọi chung là Ndam tadik. Những lễ tấu chức này đều do Po Adhia trong khu vực đó làm chủ lễ với sự phụ tá của Po Bac và các Basaih khác.

Về thời gian được quy định cụ thể 6 ngày và một đêm chủ nhật, bắt đầu từ ngày thứ sáu và kết thúc ngày thứ tư trong thượng tuần trăng tháng 11 Chăm lịch.

Các lễ tôn chức này tương tự nhau và bao gồm nhiều nghi thức khác nhau tạm gọi là các “tiêu lễ”. Về lễ vật trong các lễ tôn chức này nói chung bao gồm 3 con heo đen, 4 con dê, trên dưới 30 con gà, các loại bánh trái trong lễ tục như bánh cấp (pei nung binah), bánh bột gạo hấp (hakul), hạt nổ (kamang), chuối (patei), …

Một chức sắc Chăm Bàlamôn đangg chuẩn bị trang phục làm lễ trên đền tháp (Ảnh: Jamen Ivan)
Một chức sắc Chăm Bàlamôn đangg chuẩn bị trang phục làm lễ trên đền tháp (Ảnh: Jamen Ivan)

Bước chuẩn bị trước một tuần khi lễ tôn chức, có 3 tiêu lễ:

Nghi thức đón xe chở cây (raok kuyau) để làm nhà lễ (sang mail).
Nghi lễ rước y trang (raok kaya binrik) được tiến hành tại đền Po Klong Garai ở thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Đây là nơi lưu giữ y trang của thần Po Klong Garai. Y trang sẽ được rước về tư gia để Basaih cấp Basaih Puah mặc hành lễ tôn chức lên cấp Po Băc.
Sau nghi lễ rước y trang là nghi lễ rước mão (raok pabah kap) của thần Yang tại tư gia của Po Adhia để basaih được tôn chức Po Bac đội khi hành lễ.

Sau 3 tiểu lễ, lễ tôn chức chính thức với 5 tiêu lễ sẽ lần lượt diễn ra:

– Nghi thức kaok song mal (dựng nhà lễ) vào ngày thứ sáu.
– Nghi lễ pabok sang mal (vào nhà lễ) vào ngày thứ bảy.
– Nghi lễ bac balih (thánh tẩy) trong nhà lễ vào buổi tối ngày chủ nhật.
– Nghi lễ tadik (múa đưa) vào ngày thứ hai, sau đó nghỉ ngày thứ ba.
– Nghi lễ “duah yawa” (gọi hồn) đối với tân phó cả sư (Po Bac), mặc dù tên lễ là “cầu hồn” song ý nghĩa là nghi thức với mục đích là cầu chúc sức khỏe và mọi điều tốt lành, may mắn đến với Phó Cả Sư. Nghi lễ này diễn ra vào ngày thứ tư và cũng là ngày lễ kết thúc lễ tôn chức.

Trong không gian làm lễ của các chức sắc Bàlamôn giáo (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Trong không gian làm lễ của các chức sắc Bàlamôn giáo (Ảnh: Ngọc Ngộ)
  • Po Adhia (Cả Sư – cấp bậc cao nhất trong hệ thống Bàlamôn giáo)

Po Adhia là người có uy tín, có đạo đức tác phong, am hiểu phong tục tập quán, là người thực hiện các nghi lễ một cách thuần thục. Po Adhia là “Cả Sư” lãnh đạo, điều hành tối cao phong tục tập quán trong tôn giáo chăm Bàlamôn (Chăm Ahiér), là hàng giáo phẩm cao nhất của tăng lực Basaih, là người có quyết định cho ngày tháng để cúng bái theo phong tục của người Chăm.

Để đạt được vị trí cao cả này, Po Adhia phải trải qua một quá trình dài học tập, hành lễ qua những cấp từ thấp đến cao, sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức và có uy tín lớn trong cộng đồng Ahiér và cả trong cộng đồng Awal trong tỉnh.

Lễ tôn chức Po Adhia gọi là lễ “Noja tagok Po Adhia” (lễ tôn chức Cả Sư). Mỗi khu vực đền/tháp do một Po Adhia chủ trì, theo phong tục nếu Po Adhia khu vực đó qua đời thì sẽ tôn chức Po Adhia mới.

Chủ lễ của lễ này là Po Adhia phụ trách của khu vực đền/tháp khác (ví dụ tôn chức Po Adhia phụ trách khu vực đền/tháp Po Klong Garai thì chủ lễ là Po Adhia khu vực đền Yang Po Ina Nagar hoặc Po Adhia khu vực tháp Po Rome do hội đồng chức sắc quyết định), với sự phụ tá và tham dự lễ của toàn thể chức sắc Basaih trong tỉnh và có thể ngoài tỉnh (tỉnh Bình Thuận).

Thời gian tổ chức lễ là hai ngày một đêm, buổi chiều và buổi tối ngày chủ nhật và sáng ngày thứ hai. Lễ vật gồm có một con heo, một con dê và ba con gà, cùng có chè xôi, trứng gà, trầu, rượu, cá khô nướng, với các loại bánh trái như chuối, dừa, hạt nổ.

Các chức sắc Bàlamôn đang tiến hành thực hiện lễ tôn chức (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Các chức sắc Bàlamôn đang tiến hành thực hiện lễ tôn chức (Ảnh: Ngọc Ngộ)

Những quy định trong hệ thống chức sắc tôn giáo người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Trong cộng đồng Ahiér có một hệ thống lễ nghi rất đa dạng và  phức tạp. Trên đại thể, tất cả các lễ nghi của người Chăm (cả Ahiér và Awal) đều diễn ra trong những khoảng thời gian nhất định và được quy định về nghi lễ, lễ vật, người chủ lễ và các trợ tế. Và, trong cộng đồng Ahiér, chỉ có các Po Adhia và các Po Bac (Tapah) là có quyền cho ngày cúng lễ.

Về kiêng cử, chức sắc Basaih kiêng ăn thịt bò, thịt nai, cá trê, cá nhám, lươn, ếch, trái sung, trái bí đao, rau răm, không ăn lòng và gan của các loài động vật bị chết, không ăn thịt các động vật mà không được cắt cổ. Nếu ăn cơm buổi chiều khi mặt trời đã lặn (mặc dù trời vẫn còn sáng) phải thắp đèn, trong khi ăn nếu đèn bị tắt thì phải dừng bữa,  mặc dù chưa no ….

Vấn đề đi đại tiện, tiểu tiện cũng được quy định nghiêm ngặt. Khi đại tiện phải cởi áo trùm đầu và đọc câu thần chú, còn trường hợp đi tiểu tiện thì phải đi với tư thế ngồi và phải lấy vạt áo phủ lên đầu.

Chức sắc trong buổi lễ thực hiện ngoài đồng (Ảnh: Ngọc Ngộ)
Chức sắc trong buổi lễ thực hiện ngoài đồng (Ảnh: Ngọc Ngộ)

Về trang phục trong sinh hoạt đời thường cũng như trong thực hiện các nghi lễ của chức sắc Basaih bao gồm một cái áo “tikuek” (áo trong phong tục), một “sợi dây búi tóc” (tulang lanung), một cái khăn bịt đầu có tua đỏ hai đầu (khan mâtham taibri), một sợi dây thắt lưng (talei kiak), một cái chăn (khan mbaih), một cái quần đùi (tarapha chaok) …

Để phân biệt mỗi cấp bậc thì có những quy định cụ thể riêng ở một vài chi tiết trong trang phục của các cấp Basaih. Trong đó, yếu tố phân biệt dễ nhìn thấy là sự khác biệt của “khăn bịt đầu có tua đỏ hai đầu” (gọi là khan mâtham taibri) và chăn mặc.

Đối với cấp Po Adhia (Cả Sư) và Po Bac (Phó Cả Sư) thì quy định khăn bịt đầu có 9 đường viền (một đầu 5 đường và một đầu 4 đường), cấp Liah và Puah đều quy định như nhau là 7 xộc (một đầu 4 xộc và một đầu 3 xộc), còn Basaih Ndung akaok thì khăn có 5 xộc (một đầu 3 xộc và một đầu 2 xộc).

Về chăn mặt (gọi là khan mbaih) thì đối với cấp Cả Sư và Phó Cả Sư mới được mặc chăn có kết thổ cẩm ở mí dưới (khan bar jih), còn cấp dưới từ Basaih  Puah, Liah, Ndung akaok thì chỉ mặc chăn vải trắng có đan reng hai mí theo chiều dọc (khan mrang).

Khamphaninhthuan.com

Ảnh:  Inra Jaya, Jamen Ivan and Ngọc Ngộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *