Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam không chỉ là nơi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh sắc ban sơ tươi đẹp mà còn cuốn hút với những làng nghề truyền thống cổ xưa có tuổi đời hàng trăm năm. Nổi tiếng thế giới được tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp phải kể đến “làng gốm Bàu Trúc”. Một địa điểm tham quan kết hợp trải nghiệm hấp dẫn bậc nhất mà bạn không nên bỏ qua khi đến “Miền sa thảo” Ninh Thuận.
- Xem thêm: Trải nghiệm du lịch Ninh Thuận có gì hấp dẫn?
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần chuẩn bị những gì?
- Xem thêm: Đi du lịch Ninh Thuận cần bao nhiêu tiền, có nên đi tự túc?
Làng gốm Bàu Trúc ở đâu trên bản đồ du lịch Ninh Thuận?
Làng Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là 𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐓𝐫𝐨𝐤), cách trung tâm TP.Phan Rang – Tháp Chàm khoảng hơn 10km về phía Tây Nam, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Trên bản đồ du lịch Ninh Thuận, làng Bàu Trúc nằm giữa hai trục đường giao thông chính: Quốc lộ 1A ở phía Đông và đường sắt Bắc Nam ở phía Tây. Ngoài ra còn có đường tỉnh lộ 703 đi qua thôn, chạy song song với tuyến đường sắt, các tuyến đường nội thị của trung tâm huyện. Sau năm 1964, khu phố quy hoạch các tuyến đường đất như ô bàn cờ bao quanh sân vận động, các loại xe cơ giới đề có thể ra vào thuận tiện.
Người dân làng Bàu Trúc kể rằng: chính 𝐏𝐨 𝐊𝐥𝐚𝐨𝐧𝐠 𝐂𝐚𝐧 đã giúp dân làng thoát khỏi cảnh lầm than, đói khổ, đưa họ đến định cư ở cánh đồng “𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐓𝐫𝐨𝐤” và chỉ cách làm gốm. Do đó, họ tôn 𝐏𝐨 𝐊𝐥𝐚𝐨𝐧𝐠 𝐂𝐚𝐧 là tổ sư của nghề gốm và lập một đền thờ để thờ Ngài (ngày mùng 3 tháng 7 Chăm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ nghề gốm). Rồi mẹ truyền con nối, nghề gốm Bàu Trúc còn giữ lại cho đến ngày nay.
Hiện nay, mặc dù làng gốm Bàu Trúc đã trải qua một quá trình biến đổi lịch sử, có sự tác động trên nhiều khía cạnh tự nhiên và xã hội, nhưng người Bàu Trúc vẫn giữ nguyên địa danh truyền thống và họ vẫn tự gọi thôn của mình là “𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐓𝐫𝐨𝐤” hoặc “𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐍𝐠𝐚𝐤 𝐆𝐨𝐤” (làng làm gốm).
Nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc có gì độc đáo và khác biệt?
Nghề làm gốm của người Chăm hiện nay chỉ còn tồn tại ở hai nơi: làng Bình Đức (𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐆𝐨𝐤, tỉnh Bình Thuận) và làng Bàu Trúc (𝐏𝐚𝐥𝐞𝐢 𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐓𝐫𝐨𝐤, tỉnh Ninh Thuận). Gốm Chăm Bàu Trúc là loại gốm thủ công làm hoàn toàn bằng tay, không có bàn xoay, không có khuôn đúc, không có lò nung, không tráng men. Khi nung chín gốm có nhiều màu: đỏ vàng, đỏ hồng, xanh nâu, đen và cam.
Gốm sau khi được tạo hình sẽ được thợ lành nghề trang trí hoa văn đơn giản, chủ yếu là hoa văn trang trí ở vai, cổ gốm bằng những hoa văn hình học, hoa văn thực vật.
Muốn chế tác một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, người thợ gốm phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu. Nguyên liệu làm gốm của người Chăm Bàu Trúc bao gồm ba nguyên liệu chính là: Đất sét, cát, nước… để tạo hình, dùng củi, rơm rạ, trấu… để nung gốm.
Gốm Bàu Trúc được sản xuất từ một loại đất sét màu đen xám lấy tại vực cánh đồng “𝐇𝐚𝐦𝐮 𝐭𝐚𝐧𝐮 𝐇𝐚𝐥𝐚𝐧” (ruộng đất sét) của làng, có độ kết dính cao. Điểm đặc biệt của cánh đồng này là rộng đến 𝟐𝟎𝐡𝐚, chỉ làm lúa một vụ. Còn mùa khô bỏ hoang không canh tác. Đây cũng là mùa người thợ gốm Bàu Trúc đến đây khai thác đất sét về làm gốm.
Riêng nguyên liệu cát được chọn để làm gốm là loại cát nhỏ, mịn màng, cùng kích cỡ như nhau và không pha tạp chất khoáng vật, sỏi sạn…Cũng như đất sét, cát được dùng làm gốm được người Chăm Bàu Trúc khai thác ở vùng ven sông Quao.
Trước đây, người thợ gốm thường tập trung khai thác để dự trữ 𝟑-𝟕𝐦𝟑 để làm gốm trong cả năm. Nói chung, khâu làm đất, chọn nguyên liệu để làm gốm, cụ thể là kĩ thuật lấy đất sét là công việc khá công phu và tốn nhiều công sức.
Điều đặc biệt sau khi gốm hoàn thiện là sản phẩm làm ra đều có nét riêng không trùng lẫn dù nung chung một ngọn lửa. Đây chính là yếu tố quan trọng để nghề làm gốm của làng Chăm Bàu Trúc nổi tiếng, vang xa.
- Xem thêm: Cẩm nang du lịch Ninh Thuận 4 ngày 3 đêm từ Hà Nội mới nhất
- Xem thêm: Gợi ý lịch trình du lịch Ninh Thuận 3 ngày 2 đêm siêu tiết kiệm
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận 2 ngày 1 đêm trọn gói thú vị nhất
Các công đoạn làm gốm của người Chăm Bàu Trúc Ninh Thuận
Quy trình làm và hoàn thiện một sản phẩm gốm của người Chăm Bàu Trúc sẽ trải qua 5 công đoạn, gồm: khâu làm đất, khâu tạo hình, khâu trang trí, khâu tu sửa và khâu nung.
1⃣ Khâu làm đất
Đất sét sau khi được lấy từ sông Quao về sẽ được đập tơi ra thành cục nhỏ phơi khô rồi cho vào hố ngâm với nước. Hố ngâm sâu khoảng 𝟓𝟎𝐜𝐦, đường kính miệng hố 𝟒𝟎𝐜𝐦. Thời gian ngâm đất từ chiều đến sáng hôm sau (khoảng 12h đồng hồ) thì đất sẽ ngấm nước, tơi ra, kết dính lại với nhau. Lúc này thì người thợ gốm đưa đất lên khỏi hố ngâm để trộn đất.
Trước khi đất được đưa lên khỏi hố ngâm, người thợ gốm chuẩn bị sẵn một lượng cát để trộn với đất sét. Tỉ lệ pha cát với đất sét trong lúc trộn nguyên liệu tùy theo loại hình dáng gốm có kích thước to hay nhỏ mà họ trộn tỉ lệ cho thích hợp, đối với gốm Bàu Trúc cho thấy: gốm có kích thước càng lớn thì tỉ lệ pha cát giảm và gốm có kích thước nhỏ thì tỉ lệ pha cát vào đất sét càng tăng. Thường thì trung bình theo tỉ lệ 𝟏:𝟏.
Khi tỉ lệ và cát được chuẩn bị sẵn sàng thì người thợ gốm bắt đầu trộn đất với cát bằng động tác gọi là nhồi đất. Nhồi đất chia làm hai giai đoạn: nhồi đất bằng chân (joak lan) và nhồi đất bằng tay (𝐣𝐞𝐡 𝐥𝐚𝐧).
Đất được nhồi bằng chân rồi ủ qua đêm hoặc khoảng một tiếng đồng hồ sau, trước khi tạo hình dáng gốm người thợ gốm nhồi đất bằng tay một lần nữa. Người thợ gốm dùng đôi bàn tay nặn những lọn đất hình trụ tròn trên một tấm ván bằng phẳng có rải lót một lớp cát mỏng vừa chống dính vừa tăng thêm lượng cát cho đất sét. Sau đó những lọn đất sẽ được người thợ gốm vo tròn thành hình quả bí để chuẩn bị đưa lên hòn kê tạo hình dáng gốm.
2⃣ Khâu tạo hình dáng gốm
Gốm Bàu Trúc tuy cơ bản được làm bằng tay nhưng họ còn dùng một số dụng cụ phụ trợ để tạo hình dáng gốm. Những dụng cụ đó là vải cuộn (𝐏𝐚𝐧𝐞𝐤) làm từ vải thô được xếp lại thành 3 lớp (dài khoảng 𝟑𝟎𝐜𝐦 x rộng 𝟏𝟓𝐜𝐦), dùng để thấm nước chà láng thân gốm và tạo hình các kiểu miệng gốm; Vòng quơ (𝐓𝐚 𝐤𝐡𝐨𝐡) làm bằng cây thực vật có thân tròn, nhỏ, dài khoảng 𝟓𝟎𝐜𝐦 được uốn cong lại thành hình tròn có đường kính 𝟐𝟎𝐜𝐦, dùng để chải láng thân gốm và đáy gốm trước khi chải láng bằng vải cuộn; Vòng cạo (𝐓𝐚𝐧𝐮𝐡) làm bằng thanh tre vạc mỏng, uốn lại thành hình tròn (đường kính khoảng 𝟏𝟎𝐜𝐦) rộng vừa đủ cầm tay, dùng để cạo mỏng bên trong thân gốm và đáy gốm.
Bên cạnh những dụng cụ chính nêu trên, người thợ gốm Chăm Bàu Trúc còn dùng hòn kê bằng sản phẩm gốm hỏng; dao nhọn, thanh tre vót nhọn đầu và dùng những nụ hoa, vỏ sò để in dập hoa văn trên gốm …
Sau khi đất được nhồi thành hình quả bí, người thợ gốm bắt đầu đặt lên hòn kê. Người thợ gốm dùng hai tay bóp nặn vào khối đất hình quả bí và đi giật lùi chậm rãi xung quanh hòn kê để tạo hình gốm. Trong công đoạn này người thợ gốm phải tốn nhiều sức lực để tập trung nông đáy gốm, xây dựng thành gốm theo một kích thước nhất định đã định sẵn và khối lượng đất hình quả bí cho phép.
Tạo dựng xong hình cơ bản, người thợ gốm tiếp tục phát triển kích thước thành gốm theo kích thước đã định sẵn, rồi dùng “lọn đất” (con chạch) cuộn tròn bằng tay gắn kết vào miệng gốm và phát triển thành gốm cao dần lên. Tuy nhiên phương pháp kết nối con trạch này, người thợ gốm Bàu Trúc chỉ sử dụng đối với gốm có kích thước lớn từ 𝟒𝟎-𝟓𝟎𝐜𝐦 trở lên như lu, thạp, khương … Còn đồ đựng nấu có kích thước nhỏ khoảng 𝟒𝟎𝐜𝐦 trở xuống như nồi, niêu, lò than … thì không cần sử dụng phương pháp gắn kết con trạch.
Sau khi con trạch đã được nối xong thì người thợ gốm tiếp tục công đoạn miết láng nhằm mục đích xóa đi dấu vết nối kết và làm cho thân gốm nhẵn, bóng hơn. Người thợ dùng phương pháp miết láng bằng tay, bằng vòng quơ và bằng vải cuộn.
Để cho gốm ráo nước, người thợ tiếp tục tạo dáng miệng sản phẩm. Kỹ thuật bẻ miệng gốm được thực hiện lần lượt như sau: bẻ miệng đứng, rồi đến miệng loe, hơi loe, cuối cùng là miệng khum. Thao tác bẻ miệng gốm là giai đoạn cuối cùng trong công đoạn tạo hình dáng gốm Chăm Bàu Trúc.
3⃣ Khâu trang trí gốm (ngăk bingu hala)
Gốm Chăm Bàu Trúc được trang trí ngay sau khi tạo hình kiểu dáng gốm kết thúc. Lúc này gốm chưa rời khỏi hòn kê, còn ẩm ướt cho nên rất thuận lợi cho việc trang trí. Người thợ dùng hoa văn vỏ sò, các nụ hoa, mẫu hoa thực vật để in, dập lên trên vai gốm.
Mẫu vỏ sò còn tạo cho gốm Chăm có những hoa văn hình răng cưa đẹp mắt. Ngoài những hình răng cưa của vỏ sò người thợ gốm còn dùng xương của vỏ sò bị canxi hoá lâu năm thành cục vôi để bào nhẵn thân gốm, tăng thêm độ bóng khi gốm hơi khô.
Các loại hoa văn in, dập trên gốm Chăm Bàu Trúc phải kể đến các loài hoa thực vật. Ở loại hoa này người thợ gốm Bàu Trúc thường dùng nụ hoa đã nở rộ, khô cứng như loài hoa “cà dược” (𝐏𝐚 𝐝𝐮𝐤 𝐜𝐡𝐢𝐞𝐤) loại hoa này thường nở rộ bốn mùa có nhiều ở vùng Chăm Ninh Thuận.
Hoa văn trên gốm Chăm Bàu Trúc còn có loại hoa móng tay, hoa văn thừng đắp nổi, thường trang trí phổ biến cho loại khạp đựng gạo (𝐊𝐡𝐚𝐧 𝐛𝐫𝐚𝐡) và các loại đồ đựng dâng cúng thần linh. Ngoài ra còn biến màu thực vật để bôi làm màu hoa văn cho áo gốm khi gốm được nung vừa mới ra lò còn hơi nóng …
4⃣ Khâu tu sửa gốm
Việc tu sửa gốm chủ yếu được thực hiện ở 3 bộ phận: Cạo mỏng thân gốm, đáy gốm và gắn kết những loại gốm có quai, có đế. Công đoạn và kỹ thuật tu sửa gốm lần lượt như đã nêu.
5⃣ Khâu nung gốm
Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên (nung ngoài trời). Công đoạn không đòi hỏi cao về kỹ thuật mà đòi hỏi nhiều về công sức. Số lượng gốm được tích lũy đến một số lượng nhất định thì mới đem ra nung.
Thông thường một lò nung có khoảng 50 lu lớn và khoảng 100 cái gốm nhỏ như nồi, chậu, lò nấu … Để có số lượng gốm như trên thì ít nhất 3 công thợ gốm làm trong một tháng.
Khi nung gốm, người Chăm thường chọn thời gian vào các mùa nóng, khô, tránh mùa gió (vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 8 năm sau). Trước khi nung, thì đem gốm trong kho ra phơi trong thời gian một ngày. Nguyên liệu nung gốm chủ yếu là củi khô, rơm rạ, trấu … Tùy theo số lượng gốm mà chuẩn bị nguyên vật liệu để nung.
Tóm lại, quy trình làm gốm Chăm Bàu Trúc diễn ra 4 công đoạn lớn. Phương pháp làm chủ yếu bằng tay, không có bàn xoay, chỉ có vài dụng cụ phụ trợ thô sơ những mối sản phẩm làm ra vẫn có nhiều kiểu dáng tròn trịa, đều đặn, cân đối và đẹp mắt. Điều đó chứng tỏ rằng người thợ gốm Chăm Bàu Trúc khéo tay, tài hoa, nhiều kinh nghiệm, tay nghề đã đạt đến trình độ tinh xảo và có óc thẩm mỹ cao.
Unesco ghi danh nghệ thuật làm gốm Chăm Ninh Thuận
Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, mang đậm những nét văn hóa Chăm huyền bí và quyến rũ. Vừa có giá trị về kinh tế, vừa có giá trị nghệ thuật, toát lên nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Chăm Bàu Trúc nói riêng và cộng đồng người Chăm nói chung.
Thật vậy, những họa tiết, những hình khối, những hoa văn thuộc kiến trúc và điêu khắc Chăm đã được thể hiện vô cùng sống động nơi sản phẩm gốm Bàu Trúc. Các nghệ nhân với hoa tay mềm mại, linh động, uyển chuyển, với cái khiếu sẵn có trong mình, họ đã tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao.
Theo quan niệm truyền thống, trong quá trình sản xuất gốm, người Chăm thường có một số nghi lễ liên quan đến vị thần tổ nghề gốm và nhiều vị thần linh khác. Một số kiêng cữ đối với người làm gốm; họ không tạo hoa văn hình người động vật và viết chữ lên sản phẩm; họ chọn ngày giờ tốt để làm gốm, hoặc đem gốm đi tiêu thụ…
Vì không có men, nên người thợ gốm Bàu Trúc phải mang đến một giá trị nghệ thuật khác đó là tô điểm cho “áo gốm” một sắc màu rất lạ, rất độc đáo và nghệ thuật. Nghệ thuật được tạo nên từ điều đơn giản, từ những vật dụng thô sơ, từ những con người sáng tạo. Thêm nữa, vì làm bằng tay, nên các sản phẩm không thấm màu đồng loạt, sẽ có chỗ nhiều màu, chỗ ít và vì vậy mà tạo nên sắc màu đặc thù của gốm Bàu Trúc.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay nghề gốm Bàu Trúc vẫn bảo lưu, gìn giữ những nét đặc sắc vốn có. Để những giá trị đẹp đẽ của một làng nghề không bị mai một theo sự phát triển của thời đại mới, chiều 29/11, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được ghi vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.
Bài viết trên được tổng hợp từ tham luận “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc tại Ninh Thuận” của Th.S Lê Xuân Lợi – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận (địa chỉ: 28 Tô Hiệu, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).