Tiệp dư Nguyễn Thị Bích hay Nguyễn Nhược Thị Bích, Nguyễn Thị Nhược Bích hay Nguyễn Thị Nhược tự là Lang Hoàn (Lương Hoàng), sinh năm Canh Dần (1830), quê ở làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận. Bà là con gái thứ tư của ông Nguyễn Nhược Sơn (San) quan bố chính tỉnh Thanh Hóa, mẹ là người họ Nguyễn hàm Thục Nhân.

Vài nét về thân phận và gia đình Tiệp dư Nguyễn Thị Bích

Nói đến Nguyễn Thị Bích Nhược và gia đình, các nhân sĩ thời Nguyễn ngày ấy luôn dành một sự kính trọng nhất định với đấng anh tài một khẳng khái, trung kiên và nữ phi tần thông minh, tài hoa, luôn hết lòng vì hoàng tộc.

Sử kể, ông Nguyễn Nhược Sơn (thân sinh Nguyễn Thị Bích Nhược) là một nhân tài nổi tiếng ở đạo Ninh Thuận. Dưới thời trị vì của vua Thiệu Trị và Tự Đức, ông là người đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng từ nội các triều đình cho đến trấn ải như Lang Trung Bộ Hình, Thư Hiệp trấn Nam Định, rồi Án sát ở tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nội, Bố Chánh sứ tỉnh Thanh Hóa, coi việc quân ở Trấn Tây Thành đất Cao Miên (Campuchia ngày nay).

Trong quá trình trấn giữ ở các trấn ải, ông còn nhiều lần tham gia đánh dẹp các cuộc xâm lấn cả Chân Lạp, Xiêm La, trấn áp giặc cướp, lập nhiều công nên dần được thăng làm Hàn Lâm viện Thị Giảng Học sĩ, hàm Tòng ngũ phẩm, Lang Trung bộ Công.

Năm Tự Đức thứ 4 (1850), ông qua đời, hưởng thọ 63 tuổi, được người đời ca tụng là vị quan trung trực, luôn hết lòng vì dân vì nước. Riêng các sĩ phu, nhân sĩ thì đánh giá ông qua câu đối trong lúc phúng điếu ông tại Huế như sau:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Nam giả kế khoa mục, nữ giả thi cung phi, thiên tài quốc thần kiêm quốc thích. Sanh nhi cận cổ hy, tử nhi hoàn cổ thổ, lưỡng gian hoàn phúc điện hoàn nhân”.

Dịch là:

“Trai thì nối nghiệp khoa cử, gái thì hầu chầu trong cung. Nghìn năm được tiến là tôi của nước mà cũng là thân thích nhà vua. Sống đến gần bảy mươi tuổi, lúc chết lại được về nơi chôn nhau cắt rốn, cả hai hoàn cảnh đều do phước nhà tạo ra và cách làm người tạo ra”.

Và người con gái được vào hầu trong cung mà câu đối nhắc đến chính là Nguyễn Thị Bích, con gái út của ông. 

Tương tuyền, bà phu nhân họ Nguyễn khi mang thai, một hôm bỗng mơ thấy ngôi sao Bích, một trong Nhị thập bát tú, tượng trưng cho sách vở bỗng từ trên trời sa vào miệng rồi nuốt, vì thế sau này khi sinh mới đặt cho con gái tên là Bích.

Vốn tư chất thông minh, lại nhờ sự phóng khoáng, không chịu ràng buộc theo khuôn phép của cha nên từ nhỏ Nguyễn Thị Bích đã được theo đòi bút nghiên, vì thế sớm nổi tiếng về tài văn chương.

Trên bước đường của cha mình, bà luôn sát cánh đi theo nên nhờ đó có được sự hiểu biết rộng về đời sống, đến đâu người ta cũng khen ngợi trí thông minh và tài văn học. 

 …

Đấng quân vương (vua Tự Đức) bất ngờ trước tài thơ phú của Nguyễn Thị Bích 

Có thể nói, trong bốn người con của ông Nguyễn Dược Sơn, bà Nguyễn Thị Bích là người được cha yêu chiều, dạy dỗ đầy đủ nhất. Dù là con gái, nhưng suốt chặn đường quan trường của mình, ông Nguyễn Dược Sơn đã cho con gái đi theo học hỏi, mở rộng và chỉ dạy đầy đủ các điều hay, lý phải cho người có tố chất như bà.

Rồi điều bất ngờ cũng đến, trong một lần Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa bàn việc với Hàn Lâm viện Thị Giảng Học sĩ Nguyễn Nhược Sơn trong triều. Từ lâu đã nghe nói, ông có một ái nữ xinh đẹp, giỏi thơ phú, được người đời khen ngợi. 

Sau vài lần gặp gỡ, đối chiếu. Nguyễn Thị Bích khi ấy là cô gái vừa tròn 18 tuổi. Ngạc nhiên trước độ tài trí của một cô gái, đại thần Lâm Duy Nghĩa đã khảo một tờ biểu tiến cử lên Tự Đức.

Ảnh chân dung vua Tự Đức (Ảnh sưu tầm)
Ảnh chân dung vua Tự Đức (Ảnh sưu tầm)

Xem tờ biểu, vua rất ngạc nhiên về một thiếu nữ mà Lâm Duy Nghĩa mô tả. Vốn là ông vua nổi tiếng tài thơ phú từ nhỏ, nay lại nghe thêm điều này, ngay lập tức ông đã triệu Nguyễn Thị Bích vào cung để thử tài.

Đúng dịp, hôm đó có một buổi ngâm thơ vịnh cảnh, vua Tự Đức ra đề thơ là “Tảo Mai” (Hoa mai sớm nở). Có rất nhiều quan, thi sĩ trong và ngoài triều cùng tham gia buổi vịnh thơ. Ai cũng đều thể hiện tài năng của mình với đề tài mà đấng quân vương đề ra,  nhưng cuối cùng chỉ có bài họa của Nguyễn Thị Bích được nhà vua chấm hay nhất, trong đó có hai câu rất nổi tiếng:

“Nhược giao dụng nhữ hoa canh vị; Nguyên tác lương thần phụ, hữu Thương”.

Dịch là:

“Nếu bảo đung người cho vừa vị canh; Xin làm người bày tôi giỏi giúp nhà thương.

Tự Đức đặc biệt khen ngợi rằng: “Khéo điều chế câu thơ như người điều chế mai, tỏ rõ chí khí như của Tể tướng Phó Duyệt, thật là bổ ích. Đáng tiếc là nữ, nếu là nam thì chức ấy trẫm cũng không tiếc”.

Sau đó, vua ban thưởng cho Nguyễn Thị Bích 20 nén bạc, đồng thời tuyển vào cung cho giữ chức Thượng Nghị viên sư, đó là năm Mậu Thân (1848).

Từ cô gái nổi tiếng với tài trí thơ phú trở thành phi tần vua Tự Đức

Trong 13 đời vua Nguyễn, bắt đầu thời Gia Long năm 1802 và kết thúc thời Bảo Đại 1945. Có thể nói, việc tuyển chọn phi tần cho bậc đế vương là công việc hết sức mệt nhọc của các quang ngày ấy.

Theo điển lệ của triều Nguyễn, phàm là con gái của các quan trong triều sẽ được vinh dự tiến cung làm phi tần “nâng khăn sửa túi” cho hoàng đế và tùy theo tước phẩm của người cha, cô được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp.

Còn mỹ nữ trong dân gian thì phải qua các kỳ xét hạch nghiêm ngặt về dung nhan, đạo đức, phẩm hạnh và tài thêu thùa, nấu nướng, … Việc xét chọn trong dân gian luôn là điều tạo sự nhức nhói do có quá nhiều điều kiện.

Nói là vậy, nhưng từ thời vua Gia Long, đã có một trường hợp đặc biệt xảy ra khi vua chạy trốn quân Tây Sơn tại cù lao Ông Chưởng, được một người con gái xinh đẹp trên là Trần Thị Tố Lan cưu mang. Về sau khi thống nhất giang sơn, vua đã rước về và phong làm Chánh Hậu.

Hồ thiên tĩnh trong Khiêm Lăng - Nơi vua Tự Đức thường đến nghỉ, họa thơ cùng các quan (Ảnh sưu tầm)
Hồ thiên tĩnh trong Khiêm Lăng – Nơi vua Tự Đức thường đến nghỉ, họa thơ cùng các quan (Ảnh sưu tầm)

Qua thời Gia Long, đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, việc này cũng xảy ra nhưng ở một hoàn cảnh khác. Đó là vua thật sự cảm phục trước nhan sắc, có tài học, giỏi thơ phú.

Cụ thể rằng:“Năm Quý Mão (1843), vua Tự Đức khi có đó còn là Hoàng tử, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vừa tròn 15 tuổi (tuổi ta), được vua Thiệu Trị phong tước công, được mở phủ đệ riêng và lấy vợ. Người đầu tiên của ông là Vũ Thị Duyên, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con gái của Ngự tiền đại thần Vũ Xuân Cẩn.

Bà là người đoan trang, dịu hiền, thích đọc sách, khéo hầu hạ nên sau này được phòng làm Hoàng Quý phi, đứng đầu Tam cung, Lục viện.

Mặc dù đã có nhiều vợ xinh đẹp, có tài như bà Chính phi Vũ Thị Duyên, là Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm, Học phi Nguyễn Thị Hương. Nhưng trước tài sắc vẹn tròn của Nguyễn Thị Bích khi Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử. Vua đã tuyển vào nội cung một cách khác với thường lệ để lại một giai thoại nổi tiếng mãi về sau này.

Hoàng Thái hậu Từ Dũ phong “Tam gia Lễ tần” cho Nguyễn Thị Bích

Khi được vua Tự Đức đưa vào cung, Nguyễn Thị Bích chỉ đứng ở vị trí thấp trong hệ thống phi tần. Nhiệm vụ lúc này của bà là dạy học cho thị nữ chốn nội cung.

Năm Canh Tuất (1850), bà được phong Tài Nhân. Nhờ có tài thi phú, khéo phục vụ nên mỗi lần đi tuần thú, xướng họa văn thơ luôn được Tự Đức cho theo kề cận. Những lúc này, bà luôn tỏ ra là người khéo ứng xử, luôn kính cẩn, đoan nghị, nên Tự Đức rất sủng ái.

Mười năm sau (Canh Thân 1860), bà được phong làm Mỹ nhân, rồi Quý nhân. Chính thức đến năm, Mậu Thìn (1868), được tấn phong Tiệp dư, lãnh trách nhiệm dạy học trong nội cung đình.

Lúc bấy giờ Tự Đức có một nỗi buồn lớn. Do từ nhỏ thể chất ốm yếu, lại bị mắt bệnh đậu mùa nên vua không thể có con, mặc dù các ngự y trong Viện Thái y đã khuyên dùng toa thuốc nổi tiếng có từ thời Minh Mạng là “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” hay “Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” có tác dụng đại bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực nhưng đều không hiệu nghiệm.

Vua rất buồn. Riêng với Viện Thái y thi ngày đêm dốc sức nghiên cứu, tìm tòi các thang thuốc mới như “Khởi dương thang”, “Diên niên ích thọ bất lão đơn”, “Hà linh vạn thọ đơn”, … nhưng cuối cùng mọi kết quả đều bằng thừa.

Tổng thể công trình kiến trúc Khiêm Lăng (Ảnh sưu tầm)
Tổng thể công trình kiến trúc Khiêm Lăng (Ảnh sưu tầm)

Thế là một chỉ dụ năm Bính Tý (1876) được đưa ra khắp xứ: “Nay không cứ quan lại, sĩ thứ gần xa, trai gái, người nào chữa khỏi bệnh đau mắt và sinh nhiều con nối qua kiến hiệu thì thưởng cho chức quan tam phẩm, ban thưởng 5000 lạc bạc (theo Đại Nam thực lục chính biên).

Mất gần 10 năm cho việc này, vua Tự Đức như dần bị kiệt vệ về tinh thần trong vấn đề tìm con nối dõi. Cuối cùng, triều đình bàn cách đưa một phụ nữ mắn đẻ của một hoàng đệ đã sinh nhiều con vào cung để sớm tối hầu hạ, gần gũi với vua, thế nhưng rốt cuộc vẫn vô ích.

Và khi không còn cách nào khác, vua đành lấy 3 người cháu, con của em họ đưa vào cung nhận làm con nuôi. Đó là Nguyễn Phúc Ưng Ái (con của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y), Nguyễn Phúc Ưng Đăng và Ưng Kỷ (con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai).

Ưng Ái (sau là vua Dục Đức) do lớn tuổi nhất được coi là con cả, vua Tự Đức giao cho chính phi Vũ Thị Duyên nuôi dạy. Còn Ưng Đăng và Ưng Kỷ (sau là vua Kiến Phúc và Đồng Khánh) do Tiệp Dư Nguyễn Thị Bích chăm sóc, giảng dạy những kiến thức về văn học, phép tắc, lễ nghi nơi cung cấm nên bà được mọi người kính trọng gọi là “Tiệp dư Phu tử”.

Bậc tam cấp dẫn vào nơi an nghĩ của vua Tự Đức
Bậc tam cấp dẫn vào nơi an nghĩ của vua Tự Đức

Thời gian này, triều đình Nguyễn gặp nhiều áp lực từ Pháp và các toán quân nổi dậy. Trong những lần đến vấn an Hoàng Thái Hậu để trao đổi công việc trong triều, hoàng tộc và  diễn biến của đất nước. Vua Tự Đức luôn cho bà Tiệp dư đi theo. Dần dần, thấy cần có người bên cạnh Hoàng Thái hậu, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành thư ký cho Thái hậu Từ Dũ. 

Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức qua đời. Mọi ý chỉ, sắc dụ của Lưỡng Tôn Cung (Từ Dũ và Chính Phi Vũ Thị Duyên) đều do một tay bà soạn thảo, chấp bút.

Trong thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng ba vua), cũng như những người ờ nội cung, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần và Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.

Môn quan dẫn vào nơi chôn cất vua Tự Đức (Ảnh sưu tầm)
Môn quan dẫn vào nơi chôn cất vua Tự Đức (Ảnh sưu tầm)

Tiếp đó, vua Ham Nghi lên ngôi được một năm thì xảy ra sự biến “kinh thành thất thủ”, vua xuất bôn xuống chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp xâm lược. Phong trào thất bại, Pháp chiếm kinh thành Huế, Tiệp dư Nguyễn Thị Dược hộ giá Tam Cung (Thái hậu Từ Dũ, Chánh Phi và Thứ phi của vua Tự Đức) cùng triều đình chạy ra Quảng Trị. 

Trước hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu thốn trăm bề, không lâu sau bà rước Tam cung trở lại Huế, đến lánh ở Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức) rồi trở về hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp. Nhân sự kiện này, bà sáng tác bài Loan dư Hạnh thục quốc âm ca (còn có tên là Hạnh Thục ca) bằng chữ Nôm, mượn trích truyền vua Đường Huyền Tông ở Trung Quốc bỏ kinh đô, chạy vào đất Thục để tránh loạn An Lộc Sơn mà qua đó nói về tình hình đất nước với những biến cố từ khi quân Pháp xâm lược.

Khi cùng Tam cung hồi loan về Huế, lúc này người con nuôi và cũng là học trò của bà, hoàng tử Ưng Kỷ, để lên ngôi, lấy hiệu là Đồng Khánh. Thời Đồng Khánh, bà hết lòng hầu hạ, làm mọi việc do Hoàng Thái Hậu Từ Dũ giao cho. Những lúc rảnh rỗi và vẫn sáng tác văn thơ.

Ngoài tác phẩm Hạnh Thục ca, Nguyễn Thị Bích còn để lại một ít bài thơ cảm tác bằng chữ Hán, nổi bật nhất là bài thơ Đường luật thể hiện cảm xúc mừng vui khi vào năm Tân Mão (1891), sau bao ngày tang thương dâu bể, lễ Nam Giao đầu tiên được tổ chức lại:

“Kỷ tải liêu liêu phong tục di,

Hà kỳ thịnh điểm phục vu ti.

Di cung Thiếu Đế khôi tiền liệt,

Hiệp tác lương thần tục cưu quy.

Sạ đổ y quan phu chụ vọng,

Tái văn chung cổ khỉ nhơn ti.

Cổ lai lễ nhạc duy ban bổn,

Dục trì hoàn ưng dụng Hạ nghi.

Dịch là:

Phong tục bao năm chẳng đổi thay

Nước nhà hưng thịnh thấy từ đây.

Trong cung vua trẻ noi gương trước,

Dưới trướng tôi lành giữ nếp này.

Áo mão phơi bày đông kẻ nhớ,

Trống chiêng vang dậy lắm người khuây,

Xưa này lễ nhạc là giềng nước,

Muốn được an dân phải thế nầy.

(Đào Tất Đạt dịch)

Năm Nhâm Thìn (1892), để ban thường cho những công lao, đóng góp của bà, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ đã tấn phong cho Tiệp dư Nguyễn Thị Bích làm Tam gia Lễ tần.

Tháng 11 năm Kỷ Dậu niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), bà phi tần tài hoa Nguyễn Thị Bích qua đời tại kinh đô Huế, thọ 80 tuổi, lăng mộ đặt tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Nguồn: NHỮNG ẨN SỐ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT – BÍ SỬ TRIỀU NGUYỄN, Nxb Thanh Hóa

Edit: Copywriter – Travel Blogger Kafin

Ảnh: sưu tầm & tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *