Song cùng với vấn đề nguồn gốc tên họ của người Chăm thì những lý giải về tên nước, tên dân tộc tên địa danh, tên làng, …. cũng là điều được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Vậy, tên nước, tên dân tộc tên địa danh, tên làng, …. của người Chăm xưa và nay bắt nguồn từ đâu? Cách hiểu và gọi chính xác như thế nào? Tất cả sẽ được giải thích qua những ghi chép của tác giả Sakaya (Trương Văn Món) trong bài viết dưới đây.

Giải thích về tên nước, tên dân tộc và tên vùng đất

Giải thích về tên nước, tên dân tộc và tên vùng đất
Giải thích về tên nước, tên dân tộc và tên vùng đất

Theo tác giả Sakaya (Trương Văn Món) trong cuốn “Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình”, trang 75, “Vấn đề tên dân tộc, tên họ và địa danh của người Chăm và người Raglai” thì người Chăm có tên gọi là Chăm. Tên gọi Chàm, Hời là tên các dân tộc khác gọi người Chăm. Còn Champa là tên một quốc gia ở giải đất miền Trung từ đèo Ngang đến phía bắc sông Đồng Nai. 

Champa là tên một chữ Phạn (Sanskrit) chỉ một loài hoa sứ (tên khoa học Michelia Chamopacca) ở miền Bắc và hoa đại miền Nam Ấn Độ, được ghi đầu tiên trên bia kí cambbuvarman (không rõ niên đại nhưng người ta đoán định là vào thế kỉ VII (629 – 658 Sau CN) và bia Chân Lạp gọi là bia Ang Chumnik có niên đại vào thế kỷ VII (667 Sau CN). 

Sau này, vào cuối thế kỷ VII tư liệu Trung Quốc dịch Champa thành Chiêm Thành, rồi có lúc gọi là Hoàn Vươn, … Danh từ Chiêm Thành, Chàm, Hời là không mang ý nghĩa gì cả đối với người Chăm mà chỉ do người Việt dùng để chỉ người Chăm và Champa.

Ngoài tên nước, tên dân tộc, người Chăm còn có tên riêng dùng để đặt tên cho các vùng đất của họ. Thông thường địa danh có cả hai: tên Phạn và tên Chăm. Tên Phạn thường là những địa danh ở Ấn Độ được vùng Chăm dùng để chỉ vùng đất hay tiểu vương quốc của họ, còn tên Chăm dùng để đặt tên cho thủ đô hoặc thánh địa. Ví dụ: 

  • Vùng Indrapura (Huế):  vùng Huế – Thanh Hóa
  • Vùng Amaravati (Đà Nẵng): vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng
  • Vùng Vijaya (Si Binây): vùng đất Bình Định
  • Vùng Khauchra (Aia Trang): Phú Yên – Nha Trang
  • Vùng Panduranga (Parang – Padurang): vùng đất Ninh Thuận – Bình Thuận

Ngày nay, những địa danh Champa cổ có một số đã biến mất hoàn toàn, số còn lại được giữ nguyên tên gốc hoặc bị đọc chệch ra âm tiếng Việt (Việt hóa). 

Chẳng hạn như địa danh huế được đọc chệch ra thành chữ Hue của người Chăm có nghĩa là “mùi hương”; Nha Trang được đọc chệch ra từ Aia Trang có nghĩa là “nước trong”; Phan Rang được đọc chệch ra từ Panduranga; Phan Thiết là đọc chệch ra từ chữ “Hamu Malithit” (ruộng Malithit) …

Riêng từ Đà Nẵng, được một số tác giả cho rằng là đọc chệch ra từ chữ Chăm: Đaknak hoặc Đakrak mà ra. Tuy nhiên những từ không có nghĩa trong ngôn ngữ Chăm và cả trong Phạn ngữ và Mã Lai mà Đà Nẵng xuất phát từ “ndaknang” (đaknang), có nghĩa là “nguồn”, “kraong ndaknang” là “sông nguồn”. 

Từ này là tiếng Chăm cổ, tuy nhiên ngày nay người Chăm ở Ninh Thuận – Bình Thuận không còn dùng nhưng người Raglai ở Khánh Phú, Khánh Sơn, Khánh Hòa vẫn còn sử dụng rất phổ biến để chỉ tên sông, tên suối của họ (Dựa vào tư liệu điền dã khảo sát môi trường sinh thái và Văn hóa của người Raglai ở Khánh Phú – Khánh Hòa của Trương Văn Món và Shine Toshihiko, tháng 7/2010)”.

Lý giải về tên làng (Palei) người Chăm ở Ninh Thuận

Lý giải về tên làng (Palei) người Chăm ở Ninh Thuận
Lý giải về tên làng (Palei) người Chăm ở Ninh Thuận

Tất cả làng (palei) Chăm đều có tên gọi riêng theo tiếng Chăm. Mỗi tên đều gắn liền với địa danh, nguồn gốc văn hóa và truyền thống của làng. Bên cạnh tên tiếng Chăm, các làng Chăm đều có tên tiếng Việt do chúng ta từ đặt cho họ và tự dịch từ tên gốc mà ra. Chẳng hạng như một số làng sau:

Làng Hamu Craok: Hamu Craok có nghĩa gốc tiếng Chăm là “ruộng lồi hay ruồng cuối sông”. Hamu có nghĩa là “ruộng”; Craok có nghĩa là “lồi, thêm ra, cuối sông, cửa biển”. 

Làng này có tên tiếng Việt là Vĩnh Thuận hoặc Bàu Trúc (nay thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Tên làng vĩnh Thuận hoặc Bàu Trúc không có liên quan gì đến ngữ nghĩa của tên làng Chăm gốc Hamu Craok về mặt lịch sử cũng như văn hóa.

Làng Hamu Tanran: Hamu Tanran mang nghĩa tiếng Chăm là “đồng bằng”. Hamu có nghĩa là “ruộng”; Tanran là “đồng bằng”. Làng này có tên Tiếng Việt là làng Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng Hữu Đức không liên quan gì đến nghĩa gốc Hamu Craok.

Làng Caklaing: Caklaing là tên một bà mẹ Chăm trong truyền thuyết vua Chăm Po Klaong Gari. Làng này có tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp (nay thuộc khu phố 11 và 14, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Làng Mỹ Nghiệp không có liên quan gì đến tên gốc Caklaing.

Làng Bal Caong: Bal Caong nghĩa Chăm là “kinh đô, lâu đài”. Bal nghĩa là “kinh đô, lâu đài”; Caong là “nối ra, thêm ra, tạo ra”. Làng này có tên tiếng việt là Chung Mỹ (nay thuộc Khu phố 6, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Chung Mỹ không có liên hệ gì về mặt ngữ nghĩa và nguồn gốc với tên goc61 Bal Caong.

Làng Bal Riya: Bal Riya có nghĩa là “kinh đô, lâu đài lớn”. Bal có nghĩa là “kinh đô, lâu đài”; Riya “lớn, vĩ đại”. Làng này có tên tiếng Việt là Bĩnh Nghĩa (nay thuộc xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Bĩnh Nghĩa không liên quan gì đến ngữ nghĩa gốc của tiếng Chăm là Bal Riya.

Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận còn tất cả 22 làng. Họ sống thành từng làng riêng biệt và mỗi làng có tên gọi riêng theo tiếng Chăm gốc. Từ thời Nguyễn đến nay, tên các làng Chăm đều đặt lại tên mới theo tiếng Việt ghi trong giấy tờ hành chính như làng Vĩnh Thuận, hữu Đức, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ… Những tên làng mới này không có liên quan gì đến văn hóa truyền thống của người Chăm.

Nguồn: “Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình”, Trương Văn Món, Nxb Phụ Nữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *