Kết thúc phần I với bao vấn đề liên quan đến các cuộc hôn nhân trong lịch sử Chăm – Việt. Nhiều độc giả quan tâm đã gửi Email về Khám phá Ninh Thuận với bao điều góp ý, bổ sung, đồng thời yêu cầu Khám phá Ninh Thuận tiếp tục hoàn thiện phần II trong thời gian sớm nhất. Đây được xem là một tình cảm khích lệ với đội ngũ sản xuất nội dung của Khám phá Ninh Thuận. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên phần II mãi đến giờ đây mới hoàn thành.

Và không để quý đọc giả thân thương phải chờ thêm, trong bài viết lần này, Khám phá Ninh Thuận xin tiếp tục phần II với câu chuyện tình đẹp của chàng trai Việt Ngọc Thắng và cô gái Chăm Hồng Oanh. Một câu chuyện có thể nói không gì đẹp hơn khi tình yêu, sự chân thành vượt ngưỡng phong tục của hai dân tộc Chăm – Việt để niềm hạnh phúc bao phủ cuộc đời đôi uyên ương trẻ.

Như bao câu chuyện khác, trước khi bắt đầu cho phép Khám phá Ninh Thuận giới thiệu hai nhân vật chính. Hồng Oanh và Ngọc Thắng.

Đầu tiên là Hồng Oanh, cô gái Chăm hiền dịu có nụ cười tỏa nắng. Như bao cô gái Chăm khác, Hồng Oanh được bạn bè nhận xét là một đóa “hoa xương rồng” rực sắc nơi sa mạc đầy nắng và gió.

Hồng Oanh (Hana)
Hồng Oanh (Hana)

Sinh ra trong một gia đình Chăm truyền thống, cha mẹ Cô vẫn giữ nguyên những quan điểm xưa cũ về chuyện kết hôn. Hồng Oanh chia sẻ với chúng tôi câu nói của mẹ Cô- dù đã cách đây 8-9 năm trước nhưng Cô vẫn nhớ như in: “Sau này con lấy ai cũng được, xấu xí hay nghèo khổ gì cũng được, miễn là người Chăm! Con mà lấy người Kinh thì ngày đó mẹ cũng không ở trong cái nhà này nữa!”. 

Câu nói đó cứ lặp đi lặp lại như vậy trong suốt quãng thanh xuân của mình, đến mức trong đầu Hồng Oanh tự nhận thức được rằng- tương lai của mình sẽ đầy thách thức và vô cùng gian nan nếu Cô trót say lòng với một người đàn ông Kinh. 

Tiếp theo là Ngọc Thắng, chàng trai trẻ năng động, có nhiều tài lẽ, rất nhiệt huyết với những gì mình chọn. Hiện Ngọc Thắng là chủ quán Beer Town – một trong những quán Beer được giới trẻ yêu thích tại Phan Rang.

Ngọc Thắng (Chú Trọc)
Ngọc Thắng (Chú Trọc)

Là con trai út trong một gia đình đông anh chị em, cha mẹ cũng đã lớn tuổi, cả 7 người anh và người chị cả đều đã yên bề gia thất. Việc kết hôn của Thắng trở thành nỗi mong mỏi cuối cùng của cha mẹ trước tuổi xế chiều. Chẳng ai có thể ngờ là Anh lại bén duyên với một cô gái Chăm- điều mà trước giờ chưa từng xảy ra trong cả dòng tộc của mình.

Bao nhiêu rào cản, thách thức của tình yêu, văn hóa, tín ngưỡng, tập tục của cả hai dân tộc đang chờ đợi. Liệu rằng có phút giây nào họ cảm thấy lạc lòng và muốn buông xuôi… ? 

[…Định mệnh nào cho anh gặp em … rồi để anh yêu em? …]

Yêu và cưới một cô gái cùng dân tộc là điều đã khó. Nhưng yêu và cưới một cô gái khác dân tộc, khác văn hóa, không cùng tín ngưỡng, tập tục thì thật không dễ dàng.

Sẽ không quá ngoa để nói về điều này vì lịch sử dân tộc đã chứng minh tất cả. Đa phần những cuộc hôn nhân giữa Chăm và Việt đều là những cuộc hôn nhân mang tính chính trị của các nhà cầm quyền. Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân, hay công nữ Ngọc Khoa và vua Po Rome là các ví dụ rất điển hình. 

Đôi uyên ương Hồng Oanh và Ngọc Thắng
Đôi uyên ương Hồng Oanh và Ngọc Thắng

Ngồi tĩnh lặng trong không gian nhỏ, làn khói thuốc bay kéo theo vị cafe đen vừa được khuấy đều cùng nước đá và sữa. Ngọc Thắng chững lại, miệng nở nụ cười mãn nguyện khi nhớ lại ngày hai đứa gặp nhau.

Cafe Phố Da Phan Rang
Cafe Phố Da Phan Rang

Cafe Phố Da, nơi hai đứa gặp gỡ không lời hẹn trước. Không biết vì đâu mà ngày hôm ấy, Thắng và nhóm bạn có kế hoạch đi cắm trại ở Hòn Đỏ, còn nhóm Hồng Oanh thì đi dã ngoại ở Mũi Dinh – Bãi Tràng. Trời xui đất khiến thế nào, nhóm của Oanh không đi Mũi Dinh nữa mà cùng nhóm của Thắng đi Hòn Đỏ.

Rồi chuyện gì đến cũng đến. Ngay khoảnh khắc đầu tiên chưa phải là yêu nhưng cả hai phần nào đã phải lòng nhau. Để rồi sau đó không lâu, trong đêm trăng tuyệt đẹp, giữa biển trời thơ mộng của Phan Rang, chàng và nàng thổ lộ với nhau như đã cất giấu từ vạn năm. 

[… tình yêu bắt đầu từ đây và sóng gió cũng bắt đầu từ đây …]

Từ sau chuyến camping hôm đó, đôi uyên ương mới biết nhau ngày nào như quấn quít nhau hơn bao giờ hết. Những cuộc gọi với lời quan tâm, âu yếm, hàng trăm tin nhắn với toàn nội dung nhớ thương, những buổi hẹn hò quán xá đầy ắp tiếng cười. Đôi ta như sinh ra đã là để dành cho nhau.

Cá cô, các bà chuẩn bị cho một đám cưới hỏi theo tập tục truyền thống
Cá cô, các bà chuẩn bị cho một đám cưới hỏi theo tập tục truyền thống

Trước tình yêu ngày càng lớn của mình, Anh quyết định ngỏ lời hỏi cưới Cô sau bao lần đắn đo suy nghĩ. Và rồi Hồng Oanh đồng ý! Nhưng cả hai như quên mất những sóng gió mình sắp phải đối diện với hai gia đình, với dòng tộc của mình. Việc yêu nhau thì có thể là sự rung động của hai con tim, nhưng việc cưới nhau thì không còn là chuyện riêng của hai con người nữa.

nụ cười trên môi của các bà trong ngày ngày trọng đại của Hồng Oanh
Nụ cười trên môi của các bà trong ngày ngày trọng đại của Hồng Oanh

 … Xin nói thêm và nhắc lại khi nói đến vấn đề này … [… nếu các bạn đã đọc phần I, hẳn khi nói đến điều này, các bạn sẽ dễ dàng liên tưởng đến việc, trai Việt cưới gái Chăm hay trai Chăm cưới gái Việt sẽ khó đến nhường nào…]. 

Không chỉ là rào cản, cách biệt về văn hóa, tín ngưỡng và tập tục của hai dân tộc. Mà còn là rào cản của dư luận xã hội, với người Việt, khi cho rằng cưới vợ hoặc chồng là người Chăm là cưới một người dân tộc thiểu số; còn với người Chăm, cưới người Việt là một điều sai trái và đáng xấu hổ với xóm làng!

Mọi thứ được gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày cưới
Mọi thứ được gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày cưới

Xin được trích lại một đoạn ngắn trong bài trước: “ Với người phụ nữ Chăm khi lấy con trai Việt, họ sẽ mất đi quyền lợi và nghĩa vụ trong gia đình và cộng đồng của mình như không được tham gia cúng lễ trong gia đình, tộc họ; không được tắm rửa thi hài cho cha mẹ để báo hiếu; khi tuổi về già hoặc chết, thân xác của họ được đưa về cho người thân, họ hàng Chăm làm đám tang và dĩ nhiên, cuối cùng linh hồn của họ không được nhập Kut chính – nghĩa địa của tộc họ mẹ mà chỉ nhập và Kut phụ (Kut Lihin) đối với Chăm Ahier và nằm ở Takai Ghur đối với Chăm Bani.

Thịnh soạn mâm đồ cúng trong ngày cưới
Mọi thứ được gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày cưới

Phụ nữ Chăm lấy chồng Kinh, họ cũng thoát ly quê Chăm theo chồng, họ giã từ chế độ mẫu hệ để về làm dâu xứ người với một tập tục, cách sinh hoạt gia đình, nghi lễ quan, hôn, tang, tế khác hẳn với phong tục người Chăm.

Không khí rộn ràng, vui vẻ trong ngày cưới
Không khí rộn ràng, vui vẻ trong ngày cưới

Bản thân con dâu người Chăm thích ứng ra sao với môi trường văn hóa gia đình – xã hội người Kinh với hệ tư tưởng Nho giáo làm nền tảng? Đây là hiện tượng mới xuất hiện ở vùng Chăm Phan Rang trong vài năm trở lại đây. Vì vậy, chưa ai biết tương lai họ như thế nào? Chỉ biết rằng, trước mắt gia đình và cộng đồng Chăm mất đi những phụ nữ – những người đóng vai trò quan trọng việc hình thành và lưu giữ chế độ mẫu hệ Chăm trong suốt hàng ngàn năm lịch sử”].

[…Nhưng em hãy yên tâm … mọi thứ cứ để anh lo! …]

Được tin báo từ đứa con trai cưng Ngọc Thắng và đứa con gái ngoan Hồng Oanh. Một câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ từ bậc sinh thành thốt ra: “Không!”.

Các chức sắc trong buổi lễ cưới Hồng Oanh và Ngọc Thắng
Các chức sắc trong buổi lễ cưới Hồng Oanh và Ngọc Thắng

Nhưng không bỏ cuộc, đôi bạn trẻ lại động viên nhau ngày ngày thuyết phục cha mẹ. Không biết bên phía gia đình Hồng Oanh như thế nào. Riêng Ngọc Thắng, bằng tất cả niềm tin, chín chắn của người con trai vùng nắng gió, Thắng đã thuyết phục thành công cha mẹ mình sau bao cuộc tranh cãi với đại gia đình.

Ngày cưới được chứng kiến với đầy đủ người trong gia đình và dòng tộc
Ngày cưới được chứng kiến với đầy đủ người trong gia đình và dòng tộc

Và khi còn đang trong nỗi lo cha mẹ không đồng ý cho lấy chồng là người Việt, thì bất ngờ Ngọc Thắng cùng mẹ và gia đình lên nhà Hồng Oanh. Cuộc gặp gỡ với lời ngỏ xin được cưới cô con gái Chăm khó khăn hơn bao giờ hết.

Đôi uyên ương trong không khí buổi lễ theo tập tục truyền thống
Đôi uyên ương trong không khí buổi lễ theo tập tục truyền thống

Buổi nói chuyện của hai bên gia đình kéo dài hàng giờ. Nhiều vấn đề nhạy cảm trong văn hoá, phong tục hai bên được đề cập đến. Hai bên cha mẹ trao đổi với nhau, nhưng không gian lúc này, nặng nề nhất vẫn là với Hồng Oanh và Ngọc Thắng. Cả hai nhìn nhau, lo lắng bao điều, nhưng cùng chung một mong ước sao cho cha mẹ hai bên đồng ý, tác hợp.

Màu trắng của trang phục, thể hiện sự trinh nguyên và thuần tiết

Và rồi điều tươi đẹp cũng đến! Trước tình yêu chân thành, mãnh liệt của hai đứa, cùng với đó là thấy được sự tháo vát, chăm chỉ của chàng rể, cũng như là nét diệu hiền của nàng dâu tương lai, đấng sinh thành chỉ biết gật đầu để mối tình được nên duyên vợ chồng. Nỗi lo lắng lúc này cũng biến thành nụ cười hạnh phúc trên môi. Rào cản cuối cùng cũng được gỡ bỏ để anh và em chính thức đến với nhau.

Ngọc Thắng trong ngày cưới theo tập tục truyền thống nhà vợ
Ngọc Thắng trong ngày cưới theo tập tục truyền thống nhà vợ

[…Rồi em sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất trong đời anh …]

Theo tập tục và tín ngưỡng của đồng bào Chăm, trai gái muốn kết hôn thì phải làm lễ nhập đạo và lễ trưởng thành. Nét tập tục này dành cho cả ba tôn giáo, Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Hồi giáo Islam. Hồng Oanh là Chăm theo tín ngưỡng Bàni giáo.

Cô dâu e thẹn, vui mừng trong ngày cưới của mình
Cô dâu e thẹn, vui mừng trong ngày cưới của mình

Chấp nhận lấy vợ Chăm là chấp nhận tất cả những gì thuộc về tín ngưỡng, tập tục của văn hóa dân tộc. Ngọc Thắng không ngoại lệ, cũng phải trải qua những lễ này nếu muốn cưới được Hồng Oanh.

Đôi trẻ trong ngày cưới theo tập tục văn hóa Chăm
Đôi trẻ trong ngày cưới theo tập tục văn hóa Chăm

Bao nhiêu thử thách đều đã qua được, thì có thêm vài thử thách nữa cũng có là gì. Nhưng nói thì nói vậy, đụng tới những điều này thì không thể đùa, mà phải là sự tôn trọng và tự nguyện. Cũng giống như ai khi cưới người theo công giáo, cũng phải đi học giáo nghi, giáo lễ, nhập đạo trước khi tổ chức cưới hỏi.

Cô dâu Hồng Oanh trong ngày cưới
Cô dâu Hồng Oanh trong ngày cưới

Vậy đó, trai Việt cưới vợ Chăm là vậy đó. Phải theo và hoàn thành đầy đủ các lễ tục, lễ nghi truyền thống bắt buộc của một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc.

Trầu cau nên nghĩa phu thê
Trầu cau nên nghĩa phu thê

Đúng ngày 24 tháng 8 dương lịch 2019, một đám cưới hoành tráng được tổ chức theo phong tục người Kinh, và sau đó không lâu, ngày 17 tháng 12, 2019 (nhằm thứ 3 ngày 22, tháng 11 âm lịch), một lễ cưới khác vô cùng đặc biệt theo tập tục cưới hỏi của đồng bào Chăm Bàni đã diễn ra với sự chứng kiến của các vị chức sắc, dòng họ, bạn bè hai bên gia đình cùng với niềm vui của hai bên gia đình và hạnh phúc của đôi uyên ương trẻ. Từ đây, dân tộc Việt có thêm một nàng dâu quý, dân tộc Chăm có thêm một chàng rể hiền. 

Nhật ký hành trình “Khám phá miền tháp nắng”

Travel Blogger

Blogger Kafin

Ảnh: Photo Lê Hữu Định

Bài viết là món quá ngày cưới của Khá phá Ninh Thuận dành tặng riêng cho đôi uyên ương “Ngọc Thắng & Hồng Oanh”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *