Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam hấp dẫn không chỉ là nơi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh sắc ban sơ tươi đẹp mà còn gây tò mò bởi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật tháp tuyệt hảo. Nổi tiếng trong số này phải kể đến cụm di tích tháp Hòa Lai. Một công trình với tuổi đời hơn 1000 năm tuổi mà đến nay giới nghiên cứu khoa học vẫn chưa có lời giải mã về phương thức xây dựng. 

Cụm di tích tháp Hòa Lai ở đâu trên bản đồ du lịch Ninh Thuận?

Cách trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng hơn 10km về hướng Bắc, cụm di tích tháp Hòa Lai có vị tọa lạc ngay sát Quốc lộ 1A thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Bên cạnh tên gọi Hòa Lai, cụm di tích còn có tên gọi khác là Ba Tháp bởi nguyên bản công trình trước đây có ba hạng mục chính gồm: tháp Bắc, tháp Nam và tháp trung tâm. Cuối thế kỷ XX, nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, quan chức địa phương đã cho phá hủy tháp trung tâm và hiện nay chỉ còn tháp Nam và tháp Bắc.

Giải mã tên gọi Hòa Lai của cụm di tích tháp Hòa Lai

Cho đến nay, tên gọi về cụm di tích tháp Hòa Lai Ninh Thuận vẫn còn là một tranh cãi lớn. Hòa Lai là tên gọi theo phong cách Hòa Lai – Phong cách tiêu biểu trong nền kiến trúc nghệ tiêu biểu Champa thế kỷ IX. Hay Hòa Lai là tên của một địa danh của Ninh Thuận khi vua Minh Mạng xuống chiếu chính thức sáp nhập vào Đại Việt?

Để giải thích cho điều này, trong quá trình khảo cổ cụm đền tháp Hòa Lai có đề cập rằng: “Ở Ninh Thuận, hiện có hai ngọn tháp Chăm đứng cạnh Quốc lộ I A, nhưng lại được gọi là Ba Tháp, bởi trong quá khứ tại đây có ba ngôi tháp nhưng có một ngôi tháp đã bị sụp đổ nên mới có tên gọi như vậy. Ngoài tên gọi Ba Tháp, người Ninh Thuận còn gọi đây là đền tháp Hòa Lai.”

Còn trong bài viết về “Nguồn gốc địa danh…” của Chế Vỹ Tân về địa danh Hòa Lai có đề cập: “là một địa danh ở bắc Ninh Thuận thường được gọi là Ba Tháp, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Trên Quốc lộ số 1, du khách bắt gặp hai ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc phía đông con đường, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8km (ngọn thứ ba đã bị đổ nát từ lâu). Nơi đây chính là Hòa Lai. Xưa kia địa danh này mang tên là Bal Lai (thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai”.

Bằng việc giải thích này của Chế Vỹ Tân, có thể bước đầu có thể hiểu rằng, Hòa Lai là tên được phiên âm lại từ người Kinh vùng Ninh Thuận dựa theo từ Bal Lai (tên gọi của một thủ đô đã bị mất trong lịch sử).

Kiến trúc tháp Hòa Lai Ninh Thuận và vẻ đẹp của công trình 1000 năm tuổi

Nghiên cứu từ 𝐇. 𝐏𝐚𝐫𝐦𝐞𝐧𝐭𝐢𝐞𝐫 đầu thế kỷ XX được PGS.TS Ngô Văn Doanh ghi trong cuốn “Tháp cổ Champa”: “Nguyên khởi, Hòa Lai là một khu di tích lớn nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng dài và rộng ở phía Bắc Phan Rang. Cả khu di tích được xây dựng trong khoảng đất hình chữ nhật kéo dài dài theo hướng Đông – Tây 200m và chiều rộng hướng Bắc – Nam 125m.

Khác với những cụm tháp cùng thời. Cụm di tích tháp Hòa Lai Ninh Thuận nổi bật bởi ba dãy kiến trúc (tháp Nam, tháp Bắc và tháp trung tâm) xếp dọc theo hướng Đông – Tây, một bể nước hình chữ nhật (dài 50 mét và rộng 10 mét) và một bức tường gạch ở góc Đông – Bắc.”

Cuối thế kỷ XX, nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, quan chức địa phương đã cho phá hủy tháp trung tâm. Trước đó, vì những tác động của thời gian và chiến tranh, bể nước và tường thành cũng đã mất đi. Đến nay, sau hơn 12 thế kỷ tồn tại, cụm di tích chỉ còn tháp Nam, tháp Bắc và phần nền của tháp trung tâm. Mặc dù tổng thể công trình chỉ còn tháp Nam và tháp Bắc. Tuy nhiên, những gì còn lại đều rất hòa hợp với nhau, thể hiện một chất riêng rất đặc biệt. 

Cụ thể, ngôi Tháp Bắc cao, hoàn toàn được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú huyền thoại, hoa lá… đầy tinh xảo. Ở hướng Đông tháp có một cửa vào, 3 hướng còn lại chỉ là cửa giả như bao đền tháp khác. Càng vào trong, tháp xây dựng gạch nhỏ dần lên, có các ô hình tam giác để gắn đèn khi cúng tế. 

Tháp Nam cao hơn Bắc, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang phác thảo. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khoẻ nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. 

Đúng thuần theo phong cách nổi bật một thời, lối trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp Nam và Bắc chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái. Lối trang trí này vừa mang tính chức năng nhấn mạnh cho các thành phần cấu trúc vừa phô bày vẻ đẹp của các hoa văn.

Không những vậy, đền tháp Nam và Bắc còn nổi bật bởi những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng. Đặc biệt là vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh là một điểm nhất rất hấp dẫn.

Ngoài ra, lối phong cách hòa lai còn ấn tượng bởi hình ảnh của khoảng tường giữa hai trụ ốp được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá; bộ diềm mái là nơi hiện diện những hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh. 

Năm 1986, một phát hiện quý báu của Bảo tàng tỉnh đã khi tìm thấy một linga bằng đá (sa thạch) ở khu vực Tháp. Việc phát hiện này không chỉ riêng về văn hóa mà còn là lịch sử. Quan trọng là minh chứng rõ hơn về một quá trình thịnh vượng trong việc phát triển kiến trúc, nghệ thuật và điêu khắc của vương quốc 𝐏𝐚𝐧𝐝𝐮𝐫𝐚𝐧𝐠𝐚.

Năm 1997, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng công nhận cụm tháp Hòa Lai là di tích lịch sử quốc gia.

Sự thật cụm di tích tháp Hòa Lai Ninh Thuận có phải người Chăm xưa xây dựng?

Hòa Lai được xem là cụm tháp tiêu biểu cho một phong cách kiến trúc tháp Chăm vào khoảng thế kỷ 9 – phong cách Hòa Lai, nhưng thật kỳ lạ, nó là cụm đền tháp duy nhất ở Ninh Thuận bị chính người Chăm bỏ hoang từ lâu, thậm chí họ còn nói rằng đó là “những ngôi tháp Khmer”.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, trong ghi chép 𝐋𝐞́𝐠𝐞𝐧𝐝𝐞𝐬 𝐡𝐢𝐬𝐭𝐨𝐫𝐢𝐪𝐮𝐞𝐬 𝐝𝐞𝐬 𝐂𝐡𝐚𝐦𝐬 (Truyền thuyết lịch sử của người Chăm) của mình, ông 𝐄𝐭𝐢𝐞𝐧𝐧𝐞 𝐀𝐲𝐦𝐨𝐧𝐢𝐞𝐫 (người từng làm công sứ tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 1886-1889) đã ghi lại rằng các tháp Hòa Lai được người Chăm cho là của người Khmer và gọi là 𝐘𝐚𝐧 𝐁𝐚𝐤𝐫𝐚𝐧.

Tuy nhiên theo khảo tả của kiến trúc sư, nhà khảo cổ 𝐇.𝐏𝐚𝐫𝐦𝐞𝐧𝐭𝐢𝐞𝐫 trong tài liệu 𝐈𝐧𝐯𝐞𝐧𝐭𝐚𝐢𝐫𝐞 𝐃𝐞𝐬𝐜𝐫𝐢𝐩𝐭𝐢𝐟 𝐝𝐞𝐬 𝐌𝐨𝐧𝐮𝐦𝐞𝐧𝐭𝐬 𝐂𝐚𝐦 𝐝𝐞 𝐥’𝐀𝐧𝐧𝐚𝐦 (Thống kê khảo tả các di tích Champa ở miền Trung Việt Nam – Paris 1909) thì ở cụm tháp Hòa Lai chỉ có một số chi tiết điêu khắc có nét giống với tượng của người Khmer thời kỳ tiền Angkor mà thôi, đó là các hình môn thần được chạm trên gạch trong các khuôn cửa giả của ngôi tháp giữa (vốn còn một phần thân tháp cho tới những năm 70 của thế kỷ 20). 

Năm 1993, người ta tình cờ phát hiện được bộ linga-yoni bằng đá liền khối tại khu vực phế tích ngôi tháp ở giữa. Bộ 𝐥𝐢𝐧𝐠𝐚-𝐲𝐨𝐧𝐢 ở Hòa Lai thuộc loại nguyên vẹn nhất, hầu như không bị một hư hại nhỏ nào, mà còn được chạm khắc một cách chi tiết và sắc nét (theo Tháp cổ Champa – Ngô Văn Doanh, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019).

Tài liệu Tháp cổ Champa cũng cho biết trong đợt trùng tu khu tháp Hòa Lai năm 2006, người ta lại tìm thấy một tấm bia ký bằng đá cũng ở gần khu vực phế tích tháp giữa. Tới năm 2011, hai nhà nghiên cứu 𝐀𝐫𝐥𝐨 𝐆𝐫𝐢𝐟𝐟𝐢𝐭𝐡𝐬 𝐖𝐢𝐥𝐢𝐚𝐦 𝐒𝐨𝐮𝐭𝐡𝐰𝐨𝐫𝐭𝐡 công bố bản dịch của bia ký này, theo đó bia ký Hòa Lai có đoạn viết:

“Trong điện thờ chính của 𝐒𝐫𝐢 𝐒𝐚𝐧𝐤𝐚𝐫𝐬𝐚𝐧𝐚𝐝𝐞𝐯𝐚, đức vua đã lập giáo đường… trong điện thờ của đức vua cũng lập một giáo đường…và tất cả của cải, vật chất, các hạng người, đồng ruộng, trâu bò… đều được vua 𝐒𝐫𝐢 𝐒𝐚𝐭𝐲𝐚𝐯𝐚𝐫𝐦𝐚𝐧 dâng cho 𝐒𝐫𝐢 𝐀𝐝𝐢𝐝𝐞𝐯𝐞𝐬𝐯𝐚𝐫𝐚… Đức vua cũng đã đặt cho 𝐒𝐫𝐢 𝐕𝐫𝐝𝐝𝐡𝐞𝐬𝐯𝐚𝐫𝐚 một hộp bao 𝐋𝐢𝐧𝐠𝐚 làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng”.

Satyavarman là vị vua Champa thứ hai của vương triều Panduranga, trị vì từ năm 774 – 784, được nhắc tới trong các bia ký ở Hòa Lai, ở tháp Bà Po Nagar Nha Trang. 𝐀𝐝𝐢𝐝𝐞𝐯𝐞𝐬𝐯𝐚𝐫𝐚 là cách biểu thị thần Siva là “vị thần tối thượng”, còn 𝐕𝐫𝐝𝐝𝐡𝐞𝐬𝐯𝐚𝐫𝐚 là một cách biểu thị khác của thần Siva với nghĩa là “vị thần tiếng nói”.

Nội dung của bia ký Hòa Lai đã làm rõ thêm một số điều:

  • Đưa ra bằng chứng cụ thể về niên đại (cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9) của các đền tháp được xây dựng ở khu vực này.
  • Khẳng định chất Siva của các ngôi đền, qua các danh hiệu/tên của thần Siva như đã nói trên.
  • Có ít nhất là hai ngôi đền khác nhau (thờ thần Siva) được xây dựng trong những thời gian khác nhau ở đây.

Tháp Hòa Lai từng là trọng địa tôn giáo của vương quốc Champa

Trong luận án tiến sĩ khảo cổ học với đề tài Nhóm đền tháp Hòa Lai – Ninh Thuận trong hệ thống đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam vào năm 2015, tác giả Nguyễn Minh Khang (tiến sĩ Nguyễn Minh Khang hiện công tác ở Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL – NV) cho rằng, tháp giữa Hòa Lai chính là ngôi đền thờ thần 𝐀𝐝𝐢𝐝𝐞𝐯𝐞𝐬𝐯𝐚𝐫𝐚 được nhắc tới trong bia ký Hòa Lai nói trên.

Những kết quả của quá trình khai quật khảo cổ được tiến hành trong giai đoạn 2005 – 2012 tại khu di tích Hòa Lai còn chỉ ra rằng đây là một quần thể đền tháp Champa lớn, với 3 cụm đền tháp mà những ngôi tháp còn lại là những ngôi đền trung tâm của 3 cụm đền tháp đó. Số lượng các kiến trúc hiện còn và đã phát lộ ở quần thể này, cho tới nay đã là gần 20 kiến trúc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Khang: “Việc xuất hiện đầu tiên một cụm đền thờ (𝐒𝐫𝐢 𝐒𝐚𝐧𝐤𝐚𝐫𝐬𝐚𝐧𝐚𝐝𝐞𝐯𝐚), trong khi cụm đền thờ này vẫn còn hoạt động (bằng việc được xây thêm một kiến trúc đơn giản) thì tồn tại song song với nó một đền thờ khác khá quan trọng (có thờ Linga), sau đó một đền thờ khác (đền tháp giữa Hòa Lai) được xây dựng mới vào cuối thế kỷ 8, bổ sung vào tổng thể kiến trúc. 

Với trật tự xây dựng như vậy, chúng tôi cho rằng, các đền tháp Hòa Lai tọa lạc trong một vùng đất tôn giáo quan trọng đối với 𝐂𝐡𝐚𝐦𝐩𝐚 thời kỳ Hoàn Vương ở vùng Panduranga. Các đền tháp Hòa Lai không được hoạch định một mặt bằng tổng thể ngay từ đầu, mà được xây dựng bổ sung dần dần theo thời gian, và khi một ngôi đền quan trọng mới được xây dựng thì những ngôi đền đã có vẫn được sử dụng.”

Sau hơn 100 năm được giới khoa học quan tâm, khu đền tháp Hòa Lai, từ việc bị chính người Chăm sở tại không thừa nhận, đến nay các nhà khoa học đã chứng minh được rằng đây từng là một trọng địa tôn giáo của vương quốc 𝐂𝐡𝐚𝐦𝐩𝐚 trong thời kỳ Hoàn Vương – với vai trò có những nét giống thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam hay tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Một số nhà nghiên cứu còn nhận định rằng, Hòa Lai là một trong những di tích cổ nhất, và cụm tháp này mới chính là cụm tháp Chăm đẹp nhất còn lại. 

Trên đây là những thông tin về cụm di tích tháp Hòa Lai Ninh Thuận. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về một công trình kiến trúc nghệ thuật tháp nổi tiếng bậc nhất Việt Nam được xây dựng cách đây hơn 1000 năm. Chúc bạn có chuyến tham quan và trải nghiệm vui vẻ bên người thân và bạn bè.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *