Một trong những nét văn hóa đặc đáo của người Chăm Ninh Thuận được nhiều người quan tâm, tìm hiểu chính là tập tục trong cưới hỏi. Vậy nét văn hóa đó độc đáo như thế nào, khamphaninhthuan.com xin mời bạn cùng tìm hiểu tập tục cưới hỏi của người Chăm Bàlamôn và người Chăm Bàni ở Ninh Thuận.

Đôi nét về tập tục cưới hỏi của người Chăm Ninh Thuận

Đồng bào Chăm Ninh Thuận quan niệm đời người có 3 lần sinh, trong đó lúc sinh ra là lần sinh đầu tiên. Cưới vợ, cưới chồng là lần sinh thứ hai, và lần sinh thứ ba là lúc mất đi, về với tổ tiên, ông bà.

Trong ba lần sinh này, lần sinh thứ hai (cưới hỏi) được người Chăm xem là quan trọng nhất. Bởi lẽ, đây sẽ là yếu tố để duy trì nòi giống, kế thừa, phát huy nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà thế hệ trước đã sáng tạo, gìn giữ rồi truyền lại cho các thế hệ sau giữ gìn, phát triển.

Một chiều bên tháp cổ (Ảnh: Jamen Ivan)
Một chiều bên tháp cổ (Ảnh: Jamen Ivan)

Ngày xưa, hôn nhân giữa 3 tôn giáo Bàlamôn, Bàni và Islam rất khắt khe, có lúc bị cấm tuyệt đối. Và nếu có xảy ra việc cưới nhau thì con của người đàn ông hoặc đàn Bàni lấy nữ hoặc trai Chăm Bàlamôn không được vào Kut chính (Nghĩa trang dòng họ mẹ người Chăm Bàlamôn), ngược lại con của những người đàn ông, phụ nữ Chăm Bàlamôn khi lấy người phụ nữ hay người đàn ông Chăm Bàni thì phải làm lễ vào đạo.

Tập tục này đến nay vẫn giữ nguyên như vậy. Tuy nhiên, với sự giao thoa, phát triển văn hóa cũng như xã hội trong thời đại mới, sự phân biệt, cấm cản ấy đã giảm đi nhiều. Tại một số làng Chăm Bàni và Bàlamôn dường như đã thoáng hẳn.

Mãi mãi bên nhau (Ảnh: Hoàng Linh)
Mãi mãi bên nhau (Ảnh: Hoàng Linh)

Có một điều rất hay ở xã hội Chăm là có rất ít có trường hợp li di (paklauh gơp), nếu có, hai bên dẫn nhau ra trước hai họ làm lễ Chẻ đũa (Blah dwơh). Nếu đôi đũa hỏng không thể dùng, hai người không còn là vợ chồng, nhưng vẫn còn nghĩa anh em.

Và khi li dị, dù có đưa nhau ra tòa theo đúng thủ tục hành chính, thì ông chồng Chăm cũng không mang của cải theo, mà để lại tất cả cho vợ để nuôi con cái.

Đám cưới người Chăm Bàlamôn 

Đám cưới người Chăm Bàlamôn gọi là Đam Likhah hay Đam Bbơng mưnhum (bbơng pađih), thường được tổ chức vào các tháng Ba, Sáu, Tám, Mười và Mười một Chăm lịch. Các ngày tổ chức trong tháng phải là ngày chẵn hạ tuần thuộc Mẹ (âm): 2, 4, 6. 8, 10, 12 và 14.

Khác với người Việt, người Chăm cưới hỏi theo chế độ mẫu hệ, nên nhà gái sẽ đi hỏi chồng, và người con trai phải theo về ở rể tại nhà gái.

Để thực hiện một lễ cưới, trước tiên hai gia đình sẽ là Lễ dạm hỏi (Palwak panwơc), tiếp đến là Lễ hỏi (Nau pwơc) với lễ vật đơn sơ như: trầu cau, rượu, bánh trái, bánh tét, và cá đuối tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở – là lễ vật không thể thiếu.

Lễ cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Ivan Jamen)
Lễ cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Ivan Jamen)
Họ hàng hai bên trong lễ cưới người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)
Họ hàng hai bên trong lễ cưới người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)

Sau lễ dạm hỏi là Lễ dứt lời, gọi là Paklauh panwơc. Trong lễ này đại diện hai họ cùng nhau quyết định ngày tháng tổ chức, số thực khách, … để tiến đến lễ cưới chính thức (Harei bbang mưnhum) cho đôi vợ chồng trẻ.

Do theo chế độ mẫu hệ nên trong cưới hỏi cha mẹ sinh thành không đứng ra tổ chức mà là do một người lớn tuổi có uy tín. Đó chính là Ong Inư Amư, người được gọi mẹ đỡ đầu. Tuy nhiên, Ong Inư Amư này phải là người có gia đình, nửa đường chưa đứt gánh (klauh yaut), có tuổi tương đương với tuổi của cha mẹ đẻ, và biết về phong tục tập quán để có thể thực hiện vài nghi thức trong đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ.

Đôi vợ chồng trẻ trong ngày cười theo phong tục truyền thống (Ảnh: Jamen Ivan)
Đôi vợ chồng trẻ trong ngày cười theo phong tục truyền thống (Ảnh: Jamen Ivan)

Trong lễ hỏi, cha mẹ đỡ đầu thay mặt cha mẹ đẻ thực hiện tất cả thủ tục của cuộc lễ. Cụ thể, đám cưới sẽ khởi đầu vào ngày thứ Tư ở nhà trai, lễ diễn ra với những lễ vật đơn giản. Sau đó, khoảng 2h chiều, mẹ đỡ đầu sẽ dẫn chú rể và đoàn người thuộc họ đàng trai ra khỏi nhà để sang nhà gái. Gần đến nới, nhà gái tổ chức làm lễ đón rể Rauk anưk mưatau từ ngoài cổng làng về nhà.

Một nghi lễ trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)
Một nghi lễ trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)
Cô dâu làm lễ trong ngày cưới (Ảnh: Jamen Ivan)
Cô dâu làm lễ trong ngày cưới (Ảnh: Jamen Ivan)

Mọi lễ tục sau khi đã hoàn thành, cô dâu và chú rể sẽ vào phòng the nhưng không được động phòng. Trong phòng tân hôn lúc này có một cây nến sáp được thắp liên tục trên cổ trầu Thong hala, ngăn cách cô dâu với chú rể. Đôi vợ chồng trẻ phải làm sao luôn giữ cho cây nến khỏi tắt. Chỉ sau khi nào cổ bồng trầu  được dọn đi, vợ chồng trẻ mới được động phòng.

Qua khoảng thời gian ba ngày, ngày thứ Bảy trong lễ cưới (gọi là Talơh khan aut), nhà gái sẽ qua nhà trai làm lễ tạ tội rồi mang quần áo của chú rể sang nhà vợ. Họ chính thức trở thành vợ chồng, gọi là Hadiip pathang.

Cận cảnh thực hiện các lễ nghi trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Jamen Ivan)
Cận cảnh thực hiện các lễ nghi trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Jamen Ivan)

Đám cưới người Chăm Bàni

Cũng như người Chăm Bàlamôn, đám cưới người Chăm Bàni được tổ chức vào các tháng Ba, Sáu, Mười, và Mười một Chăm lịch. Lễ được thực hiện trong các ngày chẵn hạ tuần thuộc Mẹ. Tuy nhiên hiện nay, ngày tổ chức lễ cưới có thể linh hoạt, nhưng tuyệt đối phải tránh ngày Rằm, ngày Mười sáu và ngày “Trăng hết”.

Nếu hôn lễ chính thức tổ chức vào ngày thứ Tư, thì chiều ngày trước đó, nhà trai tổ chức bữa tiệc nhỏ sau đó đưa chú rể sang gửi tại nhà của một người trong họ, làm lý coi như người đó không còn là con của mình nữa mà đã là con của người anh em trong họ.

Cận cảnh thực hiện các lễ nghi trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Jamen Ivan)
Cận cảnh thực hiện các lễ nghi trong ngày cưới người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận (Ảnh: Jamen Ivan)
 Ong Inư Amư đưa rể về nhà gái (Ảnh: Hoàng Linh)
Ong Inư Amư đưa rể về nhà gái (Ảnh: Hoàng Linh)

Ngày hôm sau, nhà gái cử Ong Inư amư đến nhà trai đón rước họ hàng chàng trai về đàng gái để làm lễ cưới. Vào khoảng 2 giờ chiều, cha đỡ đầu dẫn chú rể và đoàn người thuộc họ đàng trai ra khỏi nhà để sang nhà đàng gái.

Nhà đàng gái làm lễ Rauk amưk mưtuw ở ngoài cổng làng khác, hoặc ở đầu đường nếu là người trong làng. Thủ tục này kéo dài khoảng mười phút, sau đó đoàn người mới đi vào nhà.

Tại nhà gái, đến giờ tốt, chú rể được dẫn vào phòng cô dâu ở trong Sang yơ để làm các thủ tục lễ nghi cần thiết. Sau đó cả hai ra ngoài bữa tiệc chào hỏi, và nhận lời chúc mừng của họ hàng hai bên.

Tổ chức nghi thức tại nhà gái (Ảnh: Hoàng Linh)
Tổ chức nghi thức tại nhà gái (Ảnh: Hoàng Linh)
Cô dâu và chú rẽ thực hiện nghi lễ theo phong tục cưới hỏi của dân tộc (Ảnh: Hoàng Linh)
Cô dâu và chú rẽ thực hiện nghi lễ theo phong tục cưới hỏi của dân tộc (Ảnh: Hoàng Linh)

Ngày hôm sau, ngày thứ Tư nếu là vợ chồng son, và ngày thứ Ba với trường hợp một trong hai người đã có con hay đã có gia đình nhưng đi bước nữa, lễ thành hôn chính thức được tiến hành.

Giờ hành lễ (thường vào khoảng 8 giờ sáng), cô dâu và chú rể bước ra khỏi phòng the đi đến nơi làm lễ cưới. Ông Imưm (hay Po Gru) là chức sắc tôn giáo Bàni ghé qua phòng the, giả vờ như bắt quả tang đôi trai gái chung sống trái phép rồi cầm roi đánh vào cả hai người, buộc hai người phải quỳ lạy.

Chú rể trong nghi thức ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Chú rể trong nghi thức ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Cô dâu và chú rể trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Cô dâu và chú rể trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)

Lễ xin xá tội diễn ra tiếp theo đó. Đôi vợ chồng sẽ quỳ trước mặt giáo sĩ, đầu tiên là chú rể sau đó là cô dâu, rồi mẹ và người thân trong họ hàng hai bên. Cũng trong lúc này, các giáo sĩ bắt đầu thực hiện nghi lễ bằng việc đọc kinh cầu nguyện, cầu thánh Allah ban phước lành cho đôi uyên ương.

Sau bữa tiệc đãi họ đàng trai, cha mẹ đỡ đầu của chú rể làm thủ tục gửi chú rể Paywa anưk mưtuw rồi họ nhà trai ra về.

Đãi tiệc trong đám cưới người Chăm Bàni Ninh Thuận (Ảnh: Hoàng Linh)
Đãi tiệc trong đám cưới người Chăm Bàni Ninh Thuận (Ảnh: Hoàng Linh)

Nghi thức phòng the của người Chăm Bàni cũng giống của người Chăm Bàlamôn. Sau các lễ thức cúng kính và yểm bùa trải chiếu, đôi vợ chồng không được động phòng ngay. Tục này hiện nay tại các làng Chăm Bàni ở Phan Rang gần như không còn nữa.

Niềm vui hạnh viên mãn trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Niềm vui hạnh viên mãn trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Hạnh phúc đôi uyên ương trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)
Hạnh phúc đôi uyên ương trong ngày cưới (Ảnh: Hoàng Linh)

Đó là những tập tục nhất thiết và cơ bản trong ngày cưới của người Chăm Bàni và người Chăm Bàlamôn. Tuy nhiên, có một số trường hợp gia cảnh khó khăn, người Chăm có tục làm Đám cưới lén (Bbang mưnhum klaik).

Cũng ngày lành tháng tốt, chiều tối thứ Tư khi mặt trời vừa lặn, vài anh em trong họ dẫn chú rể qua nhà cô dâu. Lúc này, gia đình trẻ cùng cha mẹ đàn bên đàn giá cùng nhau về bên nhà trai làm lễ “thú” họ hàng. Đám cưới kết thúc.

Khamphaninhthuan.com

Ảnh: Hoàng Linh, Jamen Ivan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *