Không biết tự khi nào, tự bao giờ mà người ta gán cho món bánh căn, bánh xèo là đặc sản của Phan Rang – Ninh Thuận. Phải chăn món bánh quá ngon làm du khách khi ăn có điều gì đó ấn tượng, hay chỉ vì cái hương vị đậm đà của các thứ nước chấm cộng thêm tiếng âm thanh vui tai phát ra khi đúc bánh. Để giải thích lí do vì sao thì Khamphaninhthuan.com xin mới bạn cùng đọc qua bài viết dưới đây.

Bánh căn, bánh xèo – món bánh không thể thiếu vào mỗi buổi sáng và những buổi xế chiều của các làng biển Ninh Thuận

Nói đến món bánh căn, bánh xèo ở Phan Rang – Ninh Thuận, đầu tiên phải nói đến đây là món ăn không thể thiếu vào mỗi buổi và những buổi xế chiều. Vốn dĩ nói vậy là vì từ lâu nó đã trở thành món ăn no chiếm một vị trí quan trọng trong list món ăn thường được người Ninh Thuận ưa chuộng như: bún, phở, xôi, bánh mì, cháo lòng hay cơm tấm.

Thật khó có thể hiểu vì sao lại như thế. Nhưng, nếu có dịp đặt chân đến các ngôi chợ quê, các con đường hay góc ngỏ tập trung nhiều hàng quá bán đồ ăn ở huyện Ninh Hải. Đâu đâu cũng có thể bắt gặp hàng quán bánh căn, bánh xèo. Ở chợ, ít thì hai quán, nhiều thì ba, bốn quán. Ở các con đường, góc ngõ thì lúc nào cũng thấy khói với mùi đặc trưng của bánh căn, bánh xèo bay lên. Và điều hay là quán lúc nào cũng có người ăn, người chờ. Đông đúc, tranh nhau, hối thúc nhau. Không khí rất vui nhộn.

Mặc dù là như vậy, nhưng muốn để hiểu cặn kẻ vì sao người Ninh Thuận, nhất là người dân ở huyện Ninh Hải lại thích ăn bánh căn, bánh xèo lại như thế. Đặc biệt hơn là chỉ vào lúc sáng sớm và giờ xế chiều thì nó đều có lí do của nó hết.

Đầu tiên, món bánh căn bánh xèo khi ăn làm no lâu vì uống nhiều nước, nguyên nhân là do cách ăn bánh “vừa ăn vừa húp” nước mắm nên ăn xong rất khác nước.

Thứ hai, sau mỗi chuyến đi biển đánh bắt thủy hải sản về, người dân làng biển thường đem mực, cá cơm, tôm hay ruốc về để chế biến các món ăn. Nhưng mới sáng vào, bụng đói lại không có nhiều thời gian để chế biến các món ăn cầu kỳ (do cả đêm ngoài biển đã mệt), nên khi đi ngang qua quán bánh xèo thì tấp vào ăn luôn. Ai ngờ, tôm, mực, ruốc hay cá lúc còn tươi đem làm nhân đỗ bánh ngon ngon hết sẩy. Thế là có một bữa sáng ngon lành.

Thứ ba, ăn bún, ăn phở, ăn bánh mì hay cơm tấm vào buổi sáng hoặc canh xế chiều một hai ngày là ngán. Nhưng với món bánh căn, bánh xèo thì không. Bữa nay ăn, no, uống nước rồi nghỉ. Mai không biết ăn gì thì cứ lại tìm ra quán bánh căn, bánh xèo ăn tiếp. Cứ thế hai, ba thậm chí là bốn bữa, cứ thấy thích là ra quán ăn khỏi phải đi đâu xa. Và đó là lí do vì sao mà món bánh căn, bánh xèo không thể thiếu vào mỗi buổi sáng và những buổi xế chiều của các làng biển Ninh Thuận

Vậy, bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận có nguồn gốc từ đầu?

Nguồn gốc và tên gọi bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận

Thực chất, cho đến nay nguồn gốc và tên gọi về cái bánh căn, bánh xèo Ninh Thuận còn là một dấu hỏi lớn do chưa có tài liệu nào chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, theo các cụ lớn tuổi ở làng Thái An (xã Vĩnh Hải), Mỹ Tân (xã Thanh Hải) và Mỹ Tường (ngày xưa gọi là làng Mỹ Ngọc thuộc xã Nhơn Hải) – ba nơi được xem đúc cái căn, bánh xèo ngon nhất huyện Ninh Hải, thì chiếc bánh xèo có nguồn gốc từ Bình Định, còn chiếc bánh căn có nguồn gốc từ Ninh Thuận. Vốn dĩ nói như vậy là vì người Việt ở Ninh Thuận ngày nay đa phần đều có gốc từ Bình Định và Phú Yên. Họ di cư khi vào Ninh Thuận khi vua Minh Mạng bình định và chính thức xóa sổ Champa trên bản đồ vào năm 1835.

Khi di cư đến sinh sống tại vùng đất mới, người Việt mang theo bao nét văn hóa, tín ngưỡng như: Nghi thức tế thần Nam Hải khi bám biển (lễ hội Nghinh Thần ngày nay), nghệ thuật múa Náp (múa Siêu) trong các đám ma hay nghi thức tế lễ, Nghệ thuật dân gian Hò Bả Trạo, … để cầu mong đất trời, thần linh phù hộ nơi vùng đất mới. Song song cùng với những điều này thì hương vị của các món ăn trong cuộc sống hàng ngày cũng được đem theo. Và tất nhiên, cách đúc cái bánh xèo là điều không thể thiếu.

(Giải ý: Ninh Thuận là vùng đất nằm trên dải Duyên hải Miền Trung, cũng có rừng, có sông, có núi và có biển như Bình Định và Phú Yên. Chính vì vậy mà những phong tục, tập quán, nghi thức, nghi lễ, lễ hội dân gian ở Ninh Thuận có nhiều nét với ở Bình Định và Phú Yên).

Mặc dù khi di cư, sinh sống nơi vùng đất mới còn nhiều điều khó khăn, nhưng việc làm phong phú cuộc sống trong bữa ăn hàng ngày là điều rất chú trọng. Ban đầu, chiếc bánh xèo chỉ được làm trong phạm vi gia đình vào những ngày đặc biệt khi nhà có tin vui, họp mặt, ngày giỗ, … Về sau, do nhu cầu cuộc sống nên một số người trong xóm làng bắt đầu đem ra chợ hoặc một góc mát nào có nhiều người qua lại để bán thử. Kết quả là các hàng quán lề đường rất đắc khách và từ một món bánh làm trong gia đình ăn vào những dịp đặc biệt thành món ăn thường ngày cho mọi người.

Lúc đầu, người ta không gọi đây là chiếc bánh xèo mà gọi là chiếc bánh tròn hoặc bánh mặt trời. Có tên gọi như vậy là vì chiếc bánh được đúc thành hình tròn, giống mặt trời. Tuy nhiên, trong quá trình đúc ra chiếc bánh xèo, tiếng xèo, xèo khi đỗ đã làm người ta quan miệng gọi món bánh là “bánh xèo”. Cũng từ đó, tên gọi bánh tròn, bánh mặt trời thành tên gọi bánh xèo.

Đó là về nguồn gốc và tên gọi của bánh xèo. Còn nguồn gốc và tên gọi bánh căn thì là của người Ninh Thuận, nói đúng hơn là của người Chăm. Bánh căn có mặt sau bánh xèo và bánh căn là sự tiếp biến, làm theo của người Chăm khi gánh gốm xuống bán cho người Việt ở những làng biển như Mỹ Tân, Mỹ Hiệp, Mỹ Tường, Ninh Chữ, Dư Khánh, … họ quan sát cách làm của người Việt rồi về làm chiếc bánh cho riêng mình.

Tên gọi của chiếc bánh căn không biết có ý nghĩa gì, nhưng dựa theo cái khuôn đúc bánh căn của người Chăm và lời họ nói. Tên gọi bánh căn là do khi đúc cái bánh nở căng tròn như bầu sữa mẹ khi sinh con. Giải thích cho điều này là vì khuôn đúc bánh căn khi úp ngược lại giống hệt hình cái ngực của người phụ nữ. Sữa trong ngực người phụ nữ là màu trắng đục, cũng giống như bột đổ bánh căn cũng là màu trắng đục”.

Sự khác biệt trong cách thức đúc ra cái bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận

Nguyên liệu (bột đổ bánh)

Cũng như bột đổ bánh căn, bánh xèo ở các tỉnh khác; Bột đổ bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh được làm hoàn toàn bằng bột gạo. Quy trình làm như sau:

Bước 1: Chọn gạo và đem ngâm trong nước lạnh ít nhất 6 tiếng đồng hồ.

Bước 2: Xay gạo thành bột bằng bàn xoay đá (tuy nhiên ngày nay ít ai dùng và sử dụng máy xoay máy là chính).

Bước 3: Để bột lắng, chắc bỏ nước trong trên bề mặt.

Bước 4: Đem bột pha với nước lạnh, khuấy đều.

Cơ bản để cho ra một nguyên liệu bột đổ bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận là vậy. Tuy nhiên, theo bí quyết của nhiều người, để cái bánh thơm hơn, ngon hơn người ta dùng nuớc cốt dừa (dùng vào bước 4) hoặc cơm nguội (dùng vào bước 2) để cho ra một loại bột như ý muốn. Có người còn muốn tạo thêm màu cho bánh thì bỏ thêm đậu xanh bóc vỏ rồi đem xay nhuyễn cùng với gạo.

Khuôn đúc bánh

Thật tế như các bạn thấy, khuôn đúc chiếc bánh căn và chiếc bánh xèo hoàn toàn khác nhau. Khuôn đúc bánh căn thì nhỏ, một lần đúc có thể cho ra 16 đến 20 cái. Còn khuôn đúc bánh xèo mỗi lần chỉ được 4 đến 6 cái. Tuy nhiên, dù là khuôn đúc bánh nào thì muốn có một cái bánh ngon phải hoàn toàn đúc bằng khuôn làm đất sét và phải là khuôn do người Chăm làng Bàu Trúc làm ra. Riêng chiếc bánh xèo thì có thể đúc thêm một loại khuôn làm bằng gan nhưng ngày nay ít ai dùng, chỉ còn số ít nhà nào có.

Không biết vì sao lại thế, nhưng có một điều chắc chắn là, đây là kinh nghiệm nhiều năm. Thực tế là như vậy, hầu hết tất cả các quán bánh căn, bánh xèo ở Ninh Thuận đều dùng khuôn bằng đất sét để đúc ra cái bánh chứ hiếm thấy ai dùng khuôn bằng nhôm hoặc bằng sắt. Đây chính là lý do vì sao mà chiếc bánh căn, bánh xèo khi đúc ra đều có vỏ rất giòn.

Những yếu tố làm nên hương vị riêng của cái bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận

Không chỉ có nguyên liệu bột đổ bánh và khuôn đúc bánh để tạo ra chiếc bánh căn, bánh xèo ngon. Mà còn có những nguyên liệu khác như, …

Mỡ heo (chỉ dùng cho bánh xèo)

Khi đổ chiếc bánh xèo, đầu tiên người ta sẽ dùng một loại dầu để thoa đều cho khuôn, đồng thời làm chính và giòn vỏ bánh. Và không đâu khác, mỡ heo là sự lựa chọn số 1 không thể thay thế. Vốn dĩ như vậy là vì mỡ heo thi thắng lên có vị thơm, béo, khi tóp lại thì rất giòn và có thể dùng làm nhân bánh thay cho nhân mực, nhân thịt, nhân trứng, v.v. khi không có.

Việc chọn mỡ heo đổ bánh xèo cũng hết sức tinh tế. Mỡ đổ bánh phải là mỡ đùi hoặc là mỡ bụng nhưng phải sát đường sống lưng. Đây là những chỗ mỡ heo đổ bánh sẽ ngon nhất và mỡ cho ra cũng nhiều nhất.

Nhân đổ bánh

Khác với chiếc bánh xèo, bánh khọt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhân thông thường khi đúc bánh sẽ cắt nhỏ và trộn chung với nhau. Riêng, chiếc bánh căn, bánh xèo ở Ninh Thuận người ta sẽ dùng các nguyên liệu để làm nhân như: thịt heo, da heo chiên giòn, tôm, mực, cơm mực, cá cơm hoặc trứng (trứng gà, cút, vịt), v.v. Riêng chiếc bánh xèo thì có thêm giá đỗ, hành tây và hành lá. Còn chiếc bánh căn khi đúc xong sẽ rưới hành lá sắt nhỏ lên.

Việc làm nhân bánh theo cách này khi ăn sẽ tạo cảm giác đã hơn. Nói đúng hơn là ăn bánh ra bánh, nhân ra nhân hoặc cả hai. Ngoài ra nó còn có một ý khác là để khách hàng kiểm tra cái bánh có bỏ đủ nhân như họ đã yêu cầu với người đúc bánh hay không.

Nước chấm

Có thể nói rằng, một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt cho cái bánh căn, bánh xèo Phan Rang – Ninh Thuận chính là nước chấm. Nếu chiếc bánh khọt, bánh xèo ở các tỉnh miền Tây chỉ có một loại mắm duy nhất là mắm chua ngọt. Thì chiếc bánh căn, bánh xèo ở Phan Rang – Ninh Thuận có đến 4 loại nước chấm. Đó là nước mắm đậu phộng, nước mắm ớt cà chua, nước mắm nêm (mắm cái) và nước cá kho (thường dùng cho bánh căn).

Theo những người sành ăn thì để có một chén nước chấm ngon cho một cái bánh thì nên trộn 3 loại nước chấm lại với nhau (mắm nêm, mắm ớt cà chua và mắm đậu phộng). Bỏ vào một tí ớt dã nhuyễn, vắt 1 miếng chanh rối khuấy đều. Vừa ăn, vừa húp, làm một lược 8 cái chắc lẽ là điều bình thường.

Cái hay của các loại nước chấm ăn bánh căn, bánh xèo ở Phan Rang này là rất đậm đà. Nhưng khi ăn, người ta phải chang cho ngập để cái bánh thấm toàn trọn. Đặc biệt hơn là nước mắm phải làm sao đáp ứng được một điều “vừa ăn, vừa húp”.

Lửa

Lửa dùng để đúc bánh cũng là một yếu tố quan trọng để cho ra chiếc bánh ngon. Thông thường, người ta đúc bánh theo khuôn nên rất ít dùng củi mà hoàn toàn bằng than. Than làm ra lửa không được quá to, cũng không được quá yếu. Hừng quá thì sẽ làm chiếc bánh cháy, còn yếu quá thì làm chiếc bánh lâu chín, chai cứng chứ không giòn. Do vậy mà giữ lửa ở nhiệt độ vừa phải hoặc hơi to một chút là được.

Thưởng thức món bánh căn, bánh xèo đúng điệu

Như đã đề cập từ tên, để ăn một chiếc bánh căn, bánh xèo ngon thì trước tiên phải biết cách pha nước mắm. Và cách theo những người sành ăn là nên trộn ba loại nước chấm lại với nhau gồm nước mắm đậu phộng, mắm nêm và mắm ớt cà chua. Nếu không có đủ ba loại thì dùng 2 loại. Ăn cay thì bỏ nhiều ớt, ăn chua thì vắt chanh nhiều. Còn muốn là lạ thì pha thứ nước chấm thứ 2 là dùng nước mắm đậu phòng hoặc nước mắm ớt cà chua pha với xì dầu.

Khi ăn thì nên nhúng cái bánh ngập vào trong chén nước chấm, để hợi nguội một xíu là cắn ngập răng. Sau đó ăn kèm theo miếng rau xanh, dưa leo hoặc chút đồ chua để đủ vị. Muốn đậm đà nữa thì húp thêm một chút nước chấm, vừa ăn vừa húp, dù no cũng muốn ăn thêm.

Những địa chỉ ăn bánh căn, bánh xèo ngon

Khamphaninhthuan.com xin gợi ý đến bạn một số quán bánh căn, bánh xèo ngon ở Phan Rang – Ninh Thuận mà bạn có thể ghé thưởng thức.

1) Chợ Nại Dư Khánh

  • Địa chỉ: Chợ Nại Dư Khánh – thôn Dư Khánh – thị trấn Khánh Hải – huyện Ninh Hải.
  • Giờ mở cửa: 6h00 – 11h00 hàng ngày.

2) Khu bánh căn, bánh xèo Ba Bồn (Biển Thái Bình Dương).

  • Địa chỉ: Vòng xoay Ba Bồn (Biển Thái Bình Dương) – thị trấn Khánh Hải – huyện Ninh Hải.
  • Giờ mở cửa: 16h00 – 23h00 hàng ngày.

3) Bánh xèo Phương Thảo

  • Địa chỉ: số 16 đường Quang Trung – phường Kinh Dinh – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 9h00 – 22h00 hàng ngày.

4) Bánh căn, bánh xèo Hồ Cá Phan Rang

  • Địa chỉ: số 80 đường Trần Quang Diệu – phường Thanh Sơn – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 15h30 – 22h30 hàng ngày.

5) Bánh căn, bánh xèo Vinh

  • Địa chỉ: ngã tư đường Yên Ninh – đường 16 tháng 4 – phường Văn Hải – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 15h30 – 23h30 hàng ngày.

6) Bánh căn, bánh xèo số 448 đường 21 tháng 8

  • Địa chỉ: số 448 đường 21 tháng 8 – phường Phủ Hà – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 15h30 – 23h00 hàng ngày.

7) Bánh căn, bánh xèo đường Quang Trung

  • Địa chỉ: số 22 đường Quang Trung – phường Tấn Tài – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 10h00 – 21h00 hàng ngày.

8) Bánh xèo Quê Hương

  • Địa chỉ: số 133 đường Trần Quan Diệu – phường Thanh Sơn – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
  • Giờ mở cửa: 8h00 – 21h00 hàng ngày.  

Món ngon, đặc sản Phan Rang – Ninh Thuận

Blogger Kafin

Nhật ký khám phá ẩm thực Phan Rang – Ninh Thuận

2 thoughts on “Món bánh căn, bánh xèo ở Ninh Thuận có gì ngon hấp dẫn du khách?

    • Thanh hùng says:

      Họ viết đúng mà bạn .nước chấm gồm 4 loại .mắm cà chua, mắm nêm,mắm đậu phộng và nước cá kho

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *