Ninh Thuận không chỉ được biết đến là nơi cư trú, sinh sống của đại đa số người Chăm thuộc nhiều tín ngưỡng tôn giáo mà xen kẽ còn có đại bộ phận người Raglai. Theo biến thiên lịch sử, trải qua bao thời kỳ binh biến, ngày nay, Ninh Thuận là nơi sinh sống dùng hòa của các dân tộc anh em gồm Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Raglai, … với đa dạng nét văn hóa đặc trưng vốn có của mỗi dân tộc.
- Xem thêm: Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn Ninh Thuận GIÁ RẺ NHẤT
- Xem thêm: Tổng hợp chùm tour Ninh Thuận GIÁ TỐT NHẤT THỊ TRƯỜNG
- Xem thêm: Dịch vụ xe du lịch tham quan Ninh Thuận & đưa đón sân bay Cam Ranh GIÁ RẺ NHẤT
Và để hiểu hơn nét đặc sắc của từng dân tộc, trong bài viết kỳ này, Khám phá Ninh Thuận xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu đồng bào dân tộc Raglai qua bài viết “Tên họ người Raglai: Sự thật đằng sau ÍT AI BIẾT ĐẾN”.
Cũng như các bài viết trước, dựa theo thông tin từ công trình nghiên cứu của tác giả Sakaya (Trương Văn Món) qua cuốn “Văn hóa Chăm nghiên cứu và phê bình”. Khám phá Ninh Thuận xin được trích dẫn, giới thiệu những nội dung liên quan đầy sức hút.
Những ghi chép về nguồn gốc tên họ người Raglai trong sử sách
Theo tác giả Sakaya (Trương Văn Món) trong cuốn “Văn Hóa Chăm Nghiên Cứu Và Phê Bình”: Người Raglai sinh ra từ các loại cây, đá hoặc núi như Pinang (cây cau), Kate (katơ) cây bobo, Cha Malik (dây leo có mấu), patau (patau), Asah: đá mài. Điều này cũng giống như người Chăm.
Cụ thể, theo truyền thuyết dân tộc Chăm cũng có hai dòng: Pinang (dòng cây cau phía Nam Champa) và Li-u (dòng cây dừa ở phía Bắc Champa). Vì vậy, Pinang (cây Cau), Katé (katơ): cây bobo, Chamalaik (dây mấu), batau (patau) Asah: đá mài của người Raglai là chỉ nguồn gốc về dân tộc, dòng tộc hơn là chỉ vệ họ như họ Lý, Trần, Lê, Nguyễn của người Kinh. Cụ thể người Raglai mà ông Chamaliaq Rija Tiếng liệt kê gồm có các dòng như sau:
Dòng Pinang: dòng cây cau, bao gồm các nhánh sau:
- Pinang Talik: vỏ trái cau (piang: cau, talik: da, vỏ)
- Pinang djăng grac [<arak]:; rễ cau, sơ cau
- Pinang (ciim)dhur mbang: cau dơi ăn
- Pinang trut [<truk] akaok chrai [<trun, turun]: cau lộn đầu
Dòng Chamalikak: Dòng dây máu, bao gồm các nhánh như sau:
- Chamalaik tak cak: dây máu dùng cột đồ vật
- Chamalaik akaok kubaw: dây máu kéo đầu trâu
- Chamalaik kubaw thu: Dây máu … trâu khô
Dòng Katơ [<Kate]: Dòng cây, hạt Bo Bo, bao gồm các nhánh sau:
- Katơ baoh sa gah: Cây Bo bo có hột một bên
- Katơ aia threh: hột Bo bo trôi nước
- Katơ lao (?): hột Bo bo dài bông.
Ngoài ra còn có dòng Fupur tro bếp, dòng Batau asah: đá mài. Tất cả những dòng tộc người của người Raglai nêu trên, về phương diện nghiên cứu văn hóa tộc người, chúng ta có thể dịch ra bất cứ thứ tiếng nào (Anh, Việt, Pháp) để chúng ta tạm hiểu nghĩa.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lấy ngôn ngữ dịch thuật làm gốc mà khi viết địa danh, nhất là tên họ phải giữ nguyên tên gốc của tiếng dân tộc đó.
Vì tên đất, tên vùng, nhất là tên dòng họ người Raglai cũng như người Chăm (guep, tian) đều ít nhiều mang ý nghĩa linh thiêng cao cả, có quan hệ với nhau về huyết thống, quan hệ thân tộc.
Thế nhưng, khi viết tên địa danh, tên dòng tộc của người Raglai mà tên họ gốc người Raglai, chúng ta đều dịch ra tiếng Việt.
Thời Pháp thuộc trong văn bản hành chính, khai sinh, do quan lại người Việt thực hiện, họ không quan tâm đến và viết đúng tên gốc của người Raglai mà tên họ gốc người Raglai họ đều đặt họ “Man”.
Sau giải phóng (1975), chúng ta có khắc phục điều này nhưng chúng ta lại sai lầm trong việc ghi đúng tên họ gốc của người Raglai sang tiếng Việt (Kinh) là: càng dịch càng biến nghĩa, càng xa và càng sai. Chẳng hạn, họ Chamalaik dịch sang tiếng Việt thành họ “Mấu”.
Từ này đáng lẽ phải dịch họ “Máu” nhưng thấy từ Máu không đẹp nên họ dịch thành từ “Mấu”. Họ Pupur [<habaw] được dịch thành họ “Tro” (tro bếp); họ Pinang, nghĩa là “Cau” nhưng một số người dịch và một số người dịch chuyển luôn thành họ “Cao” cho giống họ người Việt.
Vấn đề đặt ra ở đây, có phải người Chăm và Raglai tự dịch nên tên (họ) ra tiếng Việt hay không? Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy không có người Chăm, người Raglai nào muốn dịch tên họ của mình, vì dịch như thế sẽ mất gốc, khó mà có thể xác định được nguồn gốc dòng họ trong việc kết hôn, cúng kính gia tiên sau này.
Việc dịch địa danh, tên họ ra tiếng Việt là do phía chủ quan của hầu hết cán bộ và mặc dù cán bộ chúng ta cố gắng đến đâu thì việc dịch các tên họ, địa danh của người Chăm và Raglai ra tiếng Việt không bao giờ sát nghĩa. Vì rằng, ngôn ngữ Chăm, Raglai và ngôn ngữ Việt là hai ngôn ngữ hoàng toàn khác nhau.
Ngôn Ngữ Chăm, Raglai là ngôn ngữ đa âm tiết (hệ Malayo-Polynesia), còn ngôn ngữ Việt là ngôn ngữ đơn tiết (hệ Việt-Mường). Hai hệ ngôn ngữ này không chỉ khác nhau về mặt từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ âm, cú pháp mà mặt nào đó còn khác nhau về truyền thống văn hóa.
Vì suy cho cùng, ngôn ngữ là sự đúc kết của một nền văn hóa. Do đó khi dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì sẽ xảy ra nhiều điều bất cập.
Tốt hơn về địa danh, tên đất, tên vùng, tên họ chúng ta nên viết nguyên và đọc đúng từ gốc theo ngôn ngữ của họ. Người Anh, Mỹ, Pháp cũng thế, họ rất không hài lòng khi chúng ta phát âm không chuẩn tên của họ và càng không chấp nhận khi chúng ta dịch tên của họ sang tiếng Việt để ghi vào văn bản giấy tờ.
Điều đáng nói là trình trạng viết, dịch tùy tiện vê tên dân tộc, địa danh, tên họ của các dân tộc này không mấy ai quan tâm, điều chỉnh, sửa chữa ngay từ đầu. Cho nên, đến nay những vấn đề này vẫn được sử dụng trong các giấy tờ văn bản pháp quy và cả những sách, báo khoa học ở nước ta hiện nay.
Hậu quả trên, cũng giống ở người Chăm, tên đất, tên vùng, tên người của người Raglai khoảng một trăm năm sau sẽ biến đổi hoàn toàn. Hiện nay tên dân tộc Raglai đã biến thành Rắc Lây, tên làng Craoh Thu đã biến thành Suối Khô, tên người Batau Asah Man đã biến thành Đá Mài Man; Pinang Thuyên đã biến thành Cao Thuyên, Chamalaik Tiến đã biến thành Mấu Văn Tiến, …
Những hệ lụy trong quá trình dịch nghĩa sang tiếng Việt
Cho đến nay, hậu quả này vẫn còn để lại một di căn trong lịch sử Việt. Đó là các địa danh, tên đất, tên vùng, tên người của các dân tộc thiểu số được phiên âm và dịch nghĩa trong tư liệu cổ Việt Nam, Trung Quốc đều rất khó khăn cho người đọc, nghiên cứu trong việc truy tìm, đối chiếu đúng tên gọi, địa danh của tộc người thiểu số hiện nay.
Chẳng hạn, tư liệu cổ Trung Quốc và chính sử Việt Nam ghi, phiên âm hoặc dịch một số địa danh, tên nhân vật liên quan đến Champa như vùng Bôn Đà Lãng, thủ lĩnh của nhân dân Champa là Ku Liên nổi dậy chống nhà Hán ở huyện Tượng Lâm vào thế kỷ II; cuộc khởi nghĩa ở các dân tộc thiểu số, trong đó có người Chăm chống lại nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ XVIII – XIX như cuộc khởi nghĩa Tuần Phủ, La Bôn Vương, Điền Sư và tên người Raglai thì được tư liệu trên viết chung là người Man, …
Như vậy, địa danh đó hiện nay ở đâu? Phong trào khởi nghĩa đó là phong trào nào? Nhân vật lịch sử đó (tên gốc) thật là gì? Điều này rất khó khăn cho việc truy tìm dữ liệu gốc cho việc đối chiếu, so sánh giữa tư liệu của lịch sử Việt Nam và tư liệu cô Chăm cũng như trong đời sống của người Chăm và người Raglai hiện nay.
Nếu cứ đà như thế, ngay hôm nay chúng ta không thay đổi cách viết mà cứ phiên âm, dịch tiếng dân tộc thiểu sang tiếng Việt thì chẳng bao lâu, khoảng một trăm năm nữa những tư liệu này rất khó để người đọc nhận biết tên đất, tên vùng đó là các tộc người thiểu số trong một quốc gia đa dân tộc mà người ta chỉ hiểu là tên riêng và địa danh của người Việt (Kinh).
Mặc khác, không viết đúng tên dân tộc, tên họ, địa danh, tên đất, tên vùng của tộc người thiểu số thì chúng ta chẳng những không góp phần vào sự nghiệp bảo tồn văn hóa mà còn làm mất gốc, phai nhạt đi văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay.
Xét từ góc độ dân tộc học thì tên đất, tên vùng, tên dân tộc, tên dòng họ của người Chăm và Raglai, ngoài ý nghĩa thực dụng để địa danh, phân biệt giữa các dân tộc, các vùng, các dòng họ và từng bản thể cá nhân với nhau, nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn gắn chặt với văn hóa truyền thống một tộc người.
Vì khi con người hiện hữu, có nghĩa là từ khi cất tiếng khóc chào đời, họ đã gắn liền với một tộc người, với địa danh, tên đất, tên vùng, làng (palei) và gia tiên, thần thánh của họ.
Trước khi đặt tên và đến lúc chết đi, họ phải qua nhiều lễ tục khác nhau trong nghi lễ vòng đời người. Do đó, đối với người Chăm, người Raglai, tất cả những tên dân tộc, tên đất, tên vùng, tên một dòng họ, một cá nhân đều, đều được linh thiêng hóa qua những lễ vật.
Vì thế, chúng ta không thể nào viết khác hoặc không thay đổi tên họ của họ một cách dễ dàng được và tất nhiên khi chúng ta viết, phiên âm hoặc dịch tên, địa danh của các dân tộc thì người đọc sẽ hiểu khác.
Từ đó sẽ mất đi tên họ, nguồn gốc của các dân tộc thiểu số và sẽ tạo ra cho họ sự hụt hẫng về tinh thần với dòng họ, với cộng đồng, với gia tiên và thần thánh. Vì vậy, viết đúng địa danh, tên đất, tên vùng, tên họ trước hết là mình thể hiện sự tôn trọng họ, giúp họ tự khẳng định một bản sắc văn hóa riêng, một tấm căn cước của riêng họ.
Ngược lại, nếu cái gì chúng ta cũng dịch nghĩa sang tiếng Việt, lấy hệ quy chiếu văn hóa Việt để nhìn nhận, bóc tách các nền văn hóa các dân tộc thiểu số khác thì không những không bảo tồn được sắc thái văn hóa riêng của các dân tộc người anh em mà còn mở đường cho sự lai căng, pha tạp, cho sự tha hóa, mất gốc trong một thế giới đa dạng, phức tạp như ngày nay.
Muốn làm tốt điều này, không ai khác chính cán bộ ngành Nhân Học, Dân Tộc Học, các cấp chính quyền chúng ta phải ý thức, phải đi tiên phong và nhận thức lại đầy đủ về cách viết, cách dịch cho đúng các tên đất, tên vùng, tên dân tộc của các tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay.
Nguồn: “Văn hóa Chăm – Nghiên cứu và phê bình”, Sakaya (Trương Văn Món), Nxb Phụ Nữ.