Kết thúc phần I và phần II với bao điều hấp dẫn. Phần III của list bài về Luật tục quy định trong hôn nhân, gia đình của người Chăm Ninh Thuận sẽ mang bạn đến một cái nhìn văn hóa đặc của đồng bào nơi đây. Phần III – Hôn nhân và trách nhiệm của gia đình.
- Xem thêm: Luật tục Chăm trong hôn nhân, gia đình – Phần I: Những ràng buộc và cấm kỵ
- Xem thêm: Luật tục Chăm trong hôn nhân, gia đình – Phần II: Hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ
Luật tục Chăm quy định trách nhiệm của gia đình khi kết hôn
Về gia đình, Luật tục Chăm quy định trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Cụ thể là, cha mẹ sinh ra con cái thì phải có trách nhiệm nuôi dạy con cho tới tuổi trưởng thành, mọi việc sai trái của con chưa tới tuổi trưởng thành đối với làng xóm cộng đồng thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm.
Con cái có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống và lo đầy đủ các lễ nghi cho cha mẹ khi cha mẹ chết, nhập Kut hoặc Ghur và đó là nghĩa vụ thiêng liêng. Chỉ khi hoàn thành nghĩa vụ trên thì cái mới được coi là đã trả được công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhất là đối với con gái út.
Trong trường hợp con cái mà đặc biệt là con gái út không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ lúc về già thì không được quyền thừa kế tài sản, không được quyền tham gia các lễ nghi đám tang, cúng cho cha mẹ. Họ bị xem là người con bất hiếu và bị cộng đồng lên án.
Luật tục Chăm còn quy định người con khi đã phạm tội muốn hòa nhập lại với gia đình, cộng đồng thì phải làm lễ thú tội bằng trầu, rượu với cha mẹ trước sự chứng kiến của tộc họ. Đối với người Chăm, người con hỗn láo với cha mẹ, ông bà, anh chị em là người vô đạo đức.
Khi đó, gia đình tộc họ và cả làng xã phải có trách nhiệm giáo dục con người đó. Nếu người đó phạm tội thì sẽ bị xử phạt tùy theo tội. Nếu hỏi cải thì người con đó cũng phải sắm lễ vật trầu rượu thú tội với ông bà, cha mẹ, anh chị em trước sự chứng kiến của tộc họ.
Luật tục Chăm quy định trách nhiệm con rể, nhà cha mẹ vợ sau khi kết hôn
Về vấn đề con nuôi, người Chăm quan niệm lấy vợ, lấy chồng là để sinh con nối dõi, có người thờ phụng lúc tuổi già. Nếu hai vợ chồng không có con mà không muốn ly hôn, họ được quyền nhận nuôi con.
Người con nuôi đó trước hết được chọn một trong số những đứa trẻ trong dòng họ bên vợ. Nếu không có mới chọn một đứa trẻ ngoài họ. Sỡ dĩ Luật tục Chăm quy định cụ thể như vậy vì việc chọn nuôi có liên quan đến việc thừa kế tài sản như đã trình bày ở phần trên.
Vì theo chế độ mẫu hệ, Luật tục Chăm quy định khá chi tiết vì quan hệ giữa người con rể với gia đình vợ. Cụ thể là, người chồng tuy đã làm lễ nhập vào gia đình họ vợ trong lễ cưới, được coi là thành viên của gia đình vợ, song trong quan niệm của dân tộc Chăm thì anh ta chỉ là người ngoài (urang parat), người ở thuê (urang daok apak) hay người mượn (urang samando).
Khi xử lý mọi việc trong gia đình hầu hết không thuộc quyền của người con rể (dù anh ta là chồng, là cha trong gia đình riêng của mình) mà thuộc về người anh trai cả vợ, cha vợ hay cao hơn là trưởng tộc. Tuy nhiên, vì người chồng là người trụ cột trong việc truyền nòi giống và xây dựng của cải vật chất cho gia đình, nên Luật tục Chăm quy định gia đình tộc họ bên vợ phải tôn trọng chàng rể:
“Cha mẹ vợ phải tôn trọng chàng rể, thoảng hương khói trầm bởi có lửa, để gia đình hòa thuận thì cha mẹ phải nhường nhịn chàng rể: nhịn điều hay, giữ điều lành, giữ gìn giàn bầu để bí leo lâu”, ý là cha mẹ vợ phải nhịn chàng rể để con mình khỏi phải ở giá. Luật tục Chăm quy định vì lý do nào đó mà cha mẹ vợ ỷ lại, chửi bới hay đánh đập chàng rể vô cớ, thì chàng rể có quyền bỏ đi lấy vợ khác mà không bị cộng đồng lên án, không bị luật tục phạt vạ (“Đánh chàng rể thì con mình ở giá”).
Luật tục Chăm quy định trong trường hợp gia đình phía chồng không có con gái giữ nhà thì người chồng có thể yêu cầu cha mẹ vợ cho vợ sang nhà mình để phụng dưỡng cha mẹ già, đồng thời nhà vợ luôn trong tư thế sẵn sàng phục dịch nhà chồng khi nhà chồng có việc (“Lấy chồng đến con chó nhà chồng cũng phải biết”).
Trong quan hệ với gia đình vợ, Luật tục Chăm quy định người chồng, vì phận làm con rể, phải lễ độ kính trọng cha mẹ vợ, cho dù bị cha mẹ vợ mắng chửi thì chàng rể vẫn phải nhường nhịn (“Phận làm rể trong nhà, đừng chửi chó mắng mèo trước mặt cha mẹ vợ”).
Nếu chàng rể hỗn láo với cha mẹ vợ, vi phạm luật tục, hoặc xét thấy chú rể không như ý thì cha mẹ vợ có quyền đuổi chú rể ra khỏi nhà. Tuy nhiên, theo Luật tục Chăm thì trong trường hợp này, cha mẹ vợ phải chọn con của người vợ. Trường hợp người vợ đồng ý theo cha mẹ, thì gia đình, họ tộc thì có thể đem trả người chồng về nhà.
Song luật tục Chăm có quy định nếu người chồng không đồng ý, không muốn về thì có quyền nằm lì không chịu về. Khi đó nhà gái không được trả nữa mà vẫn phải cho người chồng ở lại. Người chồng phải làm lễ trầu rượu xin lỗi cha mẹ vợ.
Trường hợp người vợ không đồng ý, thì người vợ theo ra ở riêng tách hẳn khỏi gia đình cha mẹ. Trong trường hợp này, Luật tục Chăm quy định cha mẹ không được ngăn cấm mà phải trích một phần của cải của gia đình cho hai vợ chồng, và đồng thời, chàng rể cũng phải làm lễ trầu rượu xin lỗi cha mẹ vợ.
Trong đời sống gia đình, tộc họ cũng có khi có xích mích, bất đồng giữa các thành viên. Nếu mâu thuẫn quá trầm trọng không giải quyết được thì hai bên sẽ tự nguyện tuyên thệ với thần linh cắt đứt quan hệ với nhau. Song như thế, theo quan niệm của dân tộc Chăm thì tổ tiên sẽ nổi giận trừng phạt cả gia đình và tộc họ.
Người Chăm thường nói:”Răng với lưỡi làm sao không va chạm. Chân lỡ đạp cứt nỡ nào chặt bỏ”. Vì thế, để tránh tổ tiên nổi giận trừng phạt gia đình tộc họ, thì gia đình phải sum họp, và họ phải làm lễ cúng cơm hứa trước linh hồn tổ tiên không bao giờ tái phạm nữa. Khi đó, hương hồn tổ tiên mới về dự, phù hộ độ trì cho con cháu, mỗi khi cá nhân, gia đình, tộc họ tổ chức các nghi lễ trong gia đình.
Tóm lại, Luật tục Chăm trong điều chỉnh quan hệ hôn nhân – gia đình đã gắn truyền thống xã hội với cơ chế tâm linh tạo cho các thành viên trong cộng động có sự gắn bó mật thiết và ràng buộc lẫn nhau. Hệ thống luật tục đó đã chứa đựng các chuẩn mực, đạo đức, luân lý nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân, nề nếp gia đình, trật tự xã hội nên nó đã trở thành phương thức hữu hiệu để quản lý và điều hòa xã hội.
- Xem thêm: Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn Ninh Thuận GIÁ RẺ NHẤT
- Xem thêm: Tổng hợp chùm tour Ninh Thuận GIÁ TỐT NHẤT THỊ TRƯỜNG
- Xem thêm: Dịch vụ xe du lịch tham quan Ninh Thuận & đưa đón sân bay Cam Ranh GIÁ RẺ NHẤT
Bài viết được tổng hợp từ sách “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận” của tác giả Phan Văn Dốp – Phan Quốc Anh – Nguyễn Thị Thu, Nxb Nông Nghiệp.
Blogger Hiếu Tử
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định