Nếu như Kate là lễ hội của người Chăm Ahier được coi như lễ tết của cộng đồng người Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo thì Ramưwan là lễ tết của cộng đồng người Chăm Bàni ảnh hưởng Hồi giáo. Cũng như Kate, khi Ramưwan bắt đầu là lúc các chức sắc chuẩn bị kinh kệ, trang phục và các dụng cụ làm lễ. Phụ nữ thì mua sắm nguyên liệu để chuẩn bị làm bánh trái, lễ vật và may sắm trang phục mới cho trẻ em. Tất cả  tạo nên một không khí tràn đầy sôi động.

Đôi nét về lễ hội Ramưvan của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Ramưwan (hay Ramânvan, Ramadan) là lễ hội có nguồn gốc từ lễ tháng chay “Ramadan” của người Hồi giáo được tổ chức vào tháng 9 Hồi lịch hàng năm. Đây không chỉ là tháng chay niệm của người Chăm Awal (tức người Chăm Bàni) và người Chăm Islam ở Ninh Thuận nói riêng mà là của cả cộng đồng Hồi giáo trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, người Chăm Bàni và Islam ở Ninh Thuận đã tiếp thu rồi bản địa Hồi giáo và biến tháng chay tịnh “Ramadan” thành một lễ hội đặc sắc của cộng đồng mình với những nét riêng biệt.

Theo đó hàng năm vào cuối tháng 8  đầu tháng 9 Hồi lịch, tất cả các làng Chăm Bàni và Islam náo nức chuẩn bị cho mùa lễ hội Ramưvan. Các chức sắc chuẩn bị kinh kệ, trang phục và các công cụ làm lễ. Phụ nữ mua sắm nguyên liệu chuẩn bị để làm bánh trái, lễ vật và may sắm trang phục mới cho trẻ em.

Bà con làng Chăm Bàni Phước Nhơn làm lễ tại nghĩa trang (Ảnh: Jamen Ivan)
Bà con làng Chăm Bàni Phước Nhơn làm lễ tại nghĩa trang (Ảnh: Jamen Ivan)
Các chị và các mẹ chuẩn bị lễ vật làm lễ tại nghĩa trang (Ảnh: Jamen Ivan)
Các chị và các mẹ chuẩn bị lễ vật làm lễ tại nghĩa trang (Ảnh: Jamen Ivan)

Trước khi lễ hội Ramưwan diễn ra, người Chăm Ninh Thuận sẽ thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên tại các gia đình. Sau đó, mới bắt đầu tháng chay tịnh Ramưwan trong các thánh đường. Đây được xem là thời gian quan trọng nhất của người Chăm Bàni cũng như người Chăm Hồi giáo Islam.

Các tu sĩ phải tu ở thánh đường, không được về nhà và phải nhịn ăn ba ngày đầu. Sau đó chỉ được ăn các lễ vật dâng cúng. Khi ăn, chỉ được dùng tay và ăn nửa bên phải. Tu sĩ phải tắm rửa sạch sẽ, ít nhất mỗi ngày một lần.

Riêng với cộng đồng người Chăm Bàni (tức Chăm Awal) thì không phải nhịn ăn vào ban ngày như luật Hồi giáo quy định. Còn cộng đồng người Chăm Hồi giáo Islam thì vẫn tuân thủ.

Các cô gái rạng rỡ trong mùa lễ hội Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Các cô gái rạng rỡ trong mùa lễ hội Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Dịu dàng một tà áo trắng (Ảnh: Jamen Ivan)
Dịu dàng một tà áo trắng (Ảnh: Jamen Ivan)

Đặc biệt, nếu tháng chay tịnh Ramadan là tháng mà người Hồi giáo trên thế giới là tháng yên tĩnh, chỉ tập trung cầu nguyện trong thánh đường và không tổ chức các hoạt động vui chơi, hội hè gì. Nhưng với người Chăm Bàni cũng như người Chăm Islam thì tháng Ramadan là lúc diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao, tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Đây chính điều thể hiện cho sự tiếp thu và biến đổi phù hợp với bản sắc văn hóa cộng đồng mình.

Năm nay, lễ hội Ramưwan diễn ra trong ba ngày đầu tháng 9 Hồi lịch. Theo Tây lịch (dương lịch) sẽ rơi vào ngày 1 (thứ tư), ngày 2 (thứ 5) và ngày 3 (thứ 6) tháng 5.

Ramâwan, Ramưwan, Ramơwan hay Ramadan? 

Để giải thích về các tên gọi Ramưvan đầu tiên cần phải biết đó là, khi từ này được viết bằng chữ Chăm Akhar Thrah thì nó luôn luôn là gốc từ Arab: رمضان. Ramưwan là cách viết Latin Chăm theo kiểu từ điển G. Moussay Chăm-Việt-Pháp năm 1971.

  • Ramơwan là cách viết Latin Chăm theo kiểu từ điển Chăm-Pháp của Eymonier năm 1906.
  • Ramawan (đúng: Ramâwan) là cách viết Latin Chăm của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (E.F.E.O), gọi tắt là Rumi Chăm EFEO (hoặc gọn hơn là Rumi).

Chung chung, Rumi Chăm EFEO thịnh hành từ những năm 90 và được các nhà nghiên cứu về Chăm sử dụng tuyệt đối (ví dụ các văn bản của Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chàm Phan Rang, những nhà nghiên cứu và học thuật nước ngoài nghiên cứu, khảo sát và trình bày các văn bản Chăm), và Rumi cũng đang được sử dụng rộng rãi trong những năm có mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như Facebook.

Tóm lại, viết Ramưwan, Ramơwan hay Ramawan đều ko sai cả. Bởi tất cả chúng chỉ đều là những cách phiên ngữ sang Latin theo những hệ thống khác nhau mà thôi, chữ Chăm Akhar Thrah vẫn còn nguyên si. Quan trọng là đang xài hệ thống nào.

Còn về tên gọi Ramadan thì có xuất phát từ các tín đồ Islam trên thế giới dùng chữ Latin để chuyển ngữ từ chữ Arab: رمضان‎. Ngoài từ Ramadan được đa số sử dụng ra thì còn có các kiểu chuyển ngữ Latin khác như: Ramazan, Ramzan, Ramadhan, Ramathan, Ramadhon… Tuỳ vùng quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ mà họ sẽ chọn một. 

Và Chăm đã chọn âm W cho ض, tức là Wan thay vì Dan/Dhan/Dhon/Zan/Than cho ضان trong رمضان để thành RamaWan (hoặc RamưWan, RamơWan như đã nói ở trên). Vì thế, viết “RamaDan” (hoặc RamaDHan…) trong Chăm có vẻ dư thừa.

Giải thích rõ hơn, có thế thấy cộng đồng Chăm Bàni vui vẻ sum vầy bên nhau và đón khách khứa đến chung vui vào ngày Harei Mukkei, tức khoảng 3 ngày trước khi Acar Ikak Aek chính thức bước vô tháng Ramawan. Nếu bạn bè có đến chơi nhà Bàni vào dịp này thì nên chúc Harei Mukkei “Abc-bla-bla-xyz” thay vì chúc Ramawan “abc-bla-bla-xyz” thì hay hơn nhiều.

Những nghi thức trong lễ hội Ramưwan của người Chăm Ninh Thuận

Lễ hội hay tết Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Bàni và Chăm Islam ở tỉnh Ninh Thuận gồm hai phần: Cúng tổ tiên (Pambang Muk Kei) ở các gia đình và tháng chay tịnh Ramưwan trong thánh đường.  Cụ thể, …

Lễ  Pambeng Muk Lei (Lễ cúng tổ tiên)
Lễ  Pambeng Muk Lei (hay còn gọi là lễ cúng tổ tiên) được các làng Chăm Hồi giáo Bàni ở Ninh Thuận tổ chức vào những ngày cuối tháng Sha’a ban, tức là tháng 8 Hồi lịch của người Chăm theo hệ Âm – Dương. Lịch này còn gọi là Sakawi hay Saka Jawi, một lịch của hệ phái Mã Lai có những biến đổi không trùng khớp với Hồi lịch Trung đông.

Lễ pambeng Muk Lei gồm ba nghi lễ khác nhau tổ chức ở ba địa điểm khác nhau. Đầu tiên là lễ tảo mộ, lễ này tổ chức ở nghĩa trang. Tiếp theo là Lễ Da – a liba (hay còn gọi là lễ cúng tạm), lễ này được tổ chức ở nhà.Và cuối cùng là lễ Pambeng muk kei (hay còn gọi là lễ cúng chính thức), lễ này được tổ chức ở nhà, sau lễ cúng tạm.

Lễ tảo mộ
Người Hồi giáo không chính thống (tức là cộng đồng Chăm Bàni) thờ đa thần, vạn vật hữu linh, trong đó có những vị nhân thần, những vị thần theo tín ngưỡng dân gian, những vị thần Hồi giáo là ngày Nâbi Mohamad (ngôn sứ cuối cùng của thiên chúa). Vì thế họ không được coi là Hồi giáo chính thống Islam mà hồi giáo Bàni.

Lễ tảo mộ được thực hiện ở nghĩa địa. Theo đó, người Chăm Hồi giáo Bàni khi chết đi được chôn trong nghĩa địa gọi là Kabur rak (Ghur). Kabur là những ngôi mộ, mỗi dòng tộc được địa phương phân cho một khoảng đất trong nghĩa địa để chôn cất người thân khi qua đời.

Trầu cau - thứ được làm lễ vật dâng cúng trong lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Trầu cau – thứ được làm lễ vật dâng cúng trong lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)

Vào những ngày lễ trọng tâm trong một năm như Ramưwan, các thành viên trong dòng tộc trở lại thăm viếng, chăm sóc phần mộ của thân nhân và cung kính mời gọi vong linh về nhà an hưởng lễ vật mà thân nhân sẽ dâng cúng.

Trong ngày tảo mộ, dân chúng đổ về nghĩa trang trong những trang phục đẹp nhất, những người đàn ông vai vác cuốc, tay xách ấm nước, còn những phụ nữ, những bà mẹ đội những quả trầu (Nduen Ginyaong hay còn gọi là Nduen Sula) bằng mây tre đan, một tay nách thêm chiếc chiếu cói con để các vị Acar ngồi làm lễ.

Trong nghĩa trang, người dọn cỏ, người vun đắp những phần mộ, tiếng gọi nhau tạo nên khung cảnh rất riêng của một năm nơi thân nhân đang yên nghỉ.

Việc thực hành nghi lễ tảo mộ ở nghĩa trang cũng khá độc đáo. Trước khi làm lễ  các vị Acar làm thủ tục quấn khăn áo đâu vào đó. Sau đó thực hiện nghi thức tẩy uế cho những phần mộ bằng động tác dội nước thánh (Aia gar) lên phiến đá mộ và đọc những bài kinh thánh tẩy, một lần nữa họ lại bôi lên phiến đá hỗn hợp nước với bột vỏ cây cam rừng (Luk aia kalik phun kruec),

Thầy Acar thực hiện thức tảo mộ tại nghĩa trang (Ảnh: Jamen Ivan)
Một vị thầy Acar đang ngồi làm lễ (Ảnh: Jamen Ivan)
Một vị thầy Acar đang ngồi làm lễ (Ảnh: Jamen Ivan)

Những Acar chủ lễ và những trợ tế của dòng tộc ngồi thành dây dọc theo những ngôi mộ, tụng những bài kinh dài được rút ra từ bộ kinh Kuru-ưn (Koran) bằng thứ tiếng Ả Rập trầm buồn trong khói hương trầm thơm nghi ngút.

Lễ vật của lễ tảo mộ là những miếng trầu têm Dam – Dara, loại trầu được têm bằng một nửa chiếc lá, bôi một chút vôi, hình chữ nhật khoảng 2cm vuông đã được những bà mẹ chuẩn bị lúc gà gáy nửa đêm.

Chấm dứt bài kinh, những Acar gửi chúng lại dưới những phiến đá cho những vong linh “ăn theo đường” về sum họp với người trầm mặc, vắng lặng vốn có của nó.

Lễ Da – a liba (Lễ cúng tạm)
Trong khi ở nghĩa địa làm lễ tảo mộ, thì ở nhà có những chị nấu nướng, chế biến thức ăn, thức uống, chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Trong lúc chờ lễ cúng chính thức, họ mời vong linh thân nhân “ăn uống” tạm thời gọi là lễ cúng đơn giản (hay còn gọi là lễ cúng tạm). Tùy theo tập quán của mỗi địa phương mà lễ vật cúng tạm đơn giản hay qui mô.

Thông thường ở những làng thuộc khu vực nghĩa trang cổ Darak Anaih ở các làng như An Nhơn, Phước Nhơn, Lương Trì. Thí cúng tạm được tổ chức quy mô, đồ ăn, thức uống được bày cúng ê hề, không khác gì một cái tiệc lớn. Còn ở những khu vực nghĩa trang khác thuộc huyện Ninh Phước, tiêu biểu là nghĩa trang cổ Dil của làng Sơn Hải thì lễ cúng tạm chỉ dọn 2 dĩa gỏi, bánh tráng nướng và một ít rượu.

Người dâng cúng thông thường là người đàn ông lớn tuổi trong tộc họ, ở lần cúng này người ta sử dụng tiếng Chăm nói năng trong sinh hoạt hàng ngày để mời những vong hồn, thân nhân về hưởng lễ.

Lễ Pambeng muk kei (Lễ cúng chính thức)
Lễ cúng chính thức được tổ chức liền sau lễ cúng tạm. Chủ lễ là thầy Acar trong dòng tộc hay những người đàn ông thuộc làu kinh Koran – Kuru-ưn và phương cách dâng cúng. Họ mặc lễ phục, áo thụng dài (Aw lah hay aw luak) và chiếc váy tấm màu trắng, đầu quấn khăn trắng tua đỏ mà người Chăm gọi là Khan mâtham tai bri, ngồi duỗi tréo trên chiếc chiếu lễ (ciéw bang)) đang bằng loại cói ở miền Nam nước ta.

Lễ cúng chính thức cho mỗi lượt vong linh gồm 2 loại lễ vật là mặn và ngọt. Điều này thể hiện cho hai yếu tố âm và dương trong văn hóa ẩm thực Chăm.

Các vị Acar ngồi nối hàng thực hiện nghi lễ cúng chính thức (Ảnh: Jamen Ivan)
Các vị Acar ngồi nối hàng thực hiện nghi lễ cúng chính thức (Ảnh: Jamen Ivan)

Mâm ngọt được dâng cúng trước, gồm 2 chén chè, 1 đĩa bánh trái có bánh tét, bánh ít, sakaya (bánh gang tay), ginraong ya (bánh củ gừng) do những bàn tay các mẹ, các chị dày công chuẩn bị và các loại bánh trái mua trên thị trường.

Mâm mặn gồm cơm gao tẻ, các loại thức ăn như canh rau quả, cá, thịt, trứng, … và ít thức uống hoặc bia cho những ai sống trên trần thế hay dùng. Hai đợt dâng cúng trên, lễ vật được dọn trên chiếc mâm chân cao (salao takai) lót lá chuối. Sau lượt cúng cho mỗi người vong linh, người chủ lễ đốt miến trầm thơm và tụng một hồi kinh. Sau đó đến lượt vong linh khác sao cho những thân nhân trên thiên đường đều cũng được mời về hướng lễ vật ngày tết Ramưwan.

Bà con đi tảo mộ ở nghĩa trang trong lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Bà con đi tảo mộ ở nghĩa trang trong lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)

Sau khi kết thúc các nghi thức, nghi lễ trong ba ngày lễ hội đầu tháng 8 Hồi giáo. Tháng chay tịnh Ramadan sẽ chính thức bắt đầu.

Tháng chay tịnh Ramưwan (Ramadan)

Tháng Chay tịnh diễn ra cả tháng Ramưwan, nghĩa là cả tháng 9 Hồi lịch. Trong tháng này, các vị tu sĩ Acar cấm mình trong thánh đường, để thực hiện 5 lần Thánh lễ trong một ngày và chỉ được ăn 2 lần trong ngày do gia đình của họ đội đến trên những mâm chân cao vào những thời gian khi không còn ánh nắng mặt trời. Do vậy mà cộng đồng người Chăm theo tín ngưỡng Hồi giáo Islam và tín ngưỡng Bàni gọi tháng này là balan ek, nghĩa là tháng nhịn ăn.

Trong quá trình diễn ra tháng Chạy tịnh Ramưwan, tín đồ trong làng không được sát sinh cho đến ngày Thánh lễ Muk trun (15 ngày sau đêm khai lễ). Chính thức từ ngày này, các tín đồ Awal cũng như Ahiér được dâng cúng các lễ vật trong Thánh đường và hằng đêm vào giờ Thánh lễ Eâsha (lúc 19h) tín đồ trong làng sẽ đến thánh đường cầu nguyện và dâng lễ vật là những miếng trầu têm (Dam – Dara).

Trình tự 5 lần Thánh lễ trong một ngày của tháng chay tịnh Ramưwan buộc các vị tu sĩ Acar thực hiện:

  • Thánh lễ Subahik vào lúc 4 giờ sáng.
  • Thánh lễ Wahirk vào lúc 12 giờ trưa.
  • Thánh lễ Ơssarik vào lúc 15 giờ chiều.
  • Thánh lễ Garipbak vào lúc 17 giờ chiều.
  • Thánh lễ Eâsha vào lúc 19 giờ tối. Tín đồ đến thánh đường dự Thánh lễ này, còn những lễ khác thì không, vì họ còn làm việc.

Để thực hiện Thánh lễ, các vị Acar (9 người) sẽ thực hiện những nghi thức sau đây:

Nghi thức Mâk aia (Tẩy thể)
Nghi thức này chỉ những vị tham dự lễ kinh mới thực hiện, nhằm trong sạch hóa thể xác và tâm hồn để tham dự lễ. Họ cầm trên tay mỗi người một cái chén đồng hoặc ấm nước, áo khoác vai, thực hiện các thao tác thánh tẩy, sau đó chỉnh trang lễ phục và đi vào thánh đường thực hiện những thao tác nhận diện nơi cung thánh (Kamraong).

Nghi thức Ataong Hagar (Đánh trống lễ)
Sau khi các Acar tham dự lễ kinh an tọa, một trong số họ đi về nơi đặt chiếc trống lễ ở phía bên trái cửa ra vào thực hiện một số thao tác và đánh trống.

Nghi thức Bang (Gọi lễ)
Sau những hồi trống, một người khác trong số Acar tham dự lễ kinh đến và cùng đứng lại chính giữa thánh đường thực hiện nghi thức gọi lễ. Họ lớn tiếng xướng những bài kinh dài và sau khi kết thúc họ trở lại vị trí hành lễ của mình.

Kakuh (Thánh lễ)
Trong chín vị tham dự Thánh lễ có một người hành lễ chính (chủ lễ), người Chăm gọi là Ba kakuh. Vị này có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện những thao tác quỳ lạy và đọc những bài kinh để cho các vị khác cùng hòa theo. Một trong những thao tác đáng lưu ý trong quá trình hành lễ, đó là thao tác lần tràng hạt (Yiap anyuk) ở giai đoạn sắp kết.

Kết thúc lễ
Thánh lễ kết thúc, các vị Acar ngồi thành vòng tròn giữa thánh đường từng người một đến bắt tay chủ lễ, mỗi lần bắt tay như vậy họ đưa bàn tay phải lên chạm mũi, ngỏ ý chúc mừng chủ lễ đã hoàn tất công việc mà Po Auluah đã giao phó.

Những nghi lễ trong tháng chay tịnh Ramưwan

Trong tháng Chay tịnh Ramưwan, ngoài 5 lần Thánh lễ trong một ngày đêm thì thánh đường còn diễn ra những nghi lễ khác như: …

Lễ Muk trun (lễ Bà giáng trần)
Lễ Bà giáng trần được tổ chức vào đêm thứ 15 lần Thánh lễ. Trước khi thực hiện lễ này, bà con tín đồ mang dâng cúng lễ ngọt gồm chè, xôi, chuối đến thánh đường. Các vị tu sĩ Acar sẽ là người phụ trách thực hiện nghi lễ nay. Sau khi kết thúc lễ, bà con trong cộng đồng được sát sinh và cúng tế trong nha.

Lễ Ong trun (Ông giáng trần)
Sau lễ Bà giáng trần sẽ đến lễ Ông giang trần. Lễ này được tổ chức sau năm ngày sau đó, tức là vào đêm thứ 20 trong tháng Ramưwan. Nghi lễ này không khác gì máy so với lễ Bà giáng trần tổ chức vào ngày thứ 15. Tuy nhiên sẽ có thêm lễ “Ban thánh ân” (Ikak dado) cho những cháu hay bị bệnh tật, ốm yếu, đồng thời tổ chức thêm nghi lễ Bu Allaâm cho các cháu đã qua lễ Katat lúc 15 tuổi. Lễ vật để thực hiện nghi lễ này rất đơn giản, chỉ gồm có cháo gà, bánh tráng nướng và các loại bánh trái.

Lễ Tuh brah (Cúng gạo)
Tiếp lễ Ông giáng trần là lễ Tuh brah (hay còn gọi là lễ cúng gạo), được tổ chức vào ngày thứ 27. Mục đích của lễ này là đề bà con giáo dân mang gạo đến cúng với ý nghĩa dâng gạo cho thân nhân quá cố quyến thuộc, các vị trưởng lão trong làng đến ăn vào rạng sáng ngày mùng 1 tháng 10 Hồi lịch.

Lễ Talaih (Kết thúc Ramưwan)
Sau cùng của các nghi lễ là trong tháng Ramưwan là lễ Talaih, được tổ chức vào sáng ngày mùng 1 tháng 10 Hồi lịch. Mục đích của lễ này nhằm cảm tạ thần Po Auluah cùng các vị thần đã giúp người Hồi giáo Bàni hoàn thành tháng Chay tịnh Ramưwan.

Khamphaninhthuan.com

Ảnh: Jamen Ivan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *